Giai đoạn 1: Chuẩn bị nguyên liệu
Nguyên liệu chính để làm giò Tết là thịt lợn và một chút thịt mỡ theo tỉ lệ 10/1. Theo kinh nghiệm làm giò Tết lâu năm của ông bà, thịt đùi heo là phần thích hợp nhất để làm giò. Thịt mỡ giúp giò Tết không bị khô và thơm hơn. Thịt đùi được lọc hết phần gân bên ngoài sau đó rửa sạch, để ráo nước và thái nhỏ Phần thịt mỡ cũng được rửa sạch, để ráo nước và thái nhỏ.
Phụ gia dành cho món giò Tết có thêm bột năng, bột nở, lá chuối (để gói giò), dây lạt buộc giò, nước mắm, đường, muối, chày, cối giã thịt.
Giai đoạn 2: Giã giò
Máy xay thịt giúp giai đoạn này nhanh hơn nhưng lại khiến các thớ thịt bị đứt ảnh hưởng tới độ chắc của giò về sau nên sử dụng cối giã giò truyền thống vẫn là cách được khuyên dùng hơn. Dùng cối giã thịt sẽ giúp giò mềm, dẻo, thơm ngon hơn hẳn.
Thịt được giã bao gồm cả thịt mỡ và thịt đùi heo đã chuẩn bị, bột nở và bột năng. Thường thì ông bà ta sẽ không cho nước mắt vào trực tiếp hỗn hợp này mà mỗi khi giã sẽ lấy chày nhúng vào bát nước mắt ở bên cạnh để giò được đều gia vị và đậm đà hơn.
Chúng ta giã giò tới khi bắt đầu nhuyễn thì cho thêm hạt tiêu, muối và đường vào và tiếp tục giã tới khi tất cả gia vị quyện lại với nhau thật nhuyễn. Khi thịt bắt đầu bám dính vào lòng cối thì dừng lại, bạn thu được thành phẩm mềm, mịn như bột làm bánh là đã đạt chuẩn.
Giai đoạn 3: Gói giò
Trong số các nguyên liệu đã chuẩn bị giờ chỉ còn lá chuối để sử dụng cho giai đoạn này. Giò được gói chắc tay thì khi hấp sẽ không bị thay đổi hinh dáng.
Lá chuối được hơ trên hơi nóng để mềm hơn sau đó dùng khăn sạch lau khô và để ráo. Mỗi một khuôn giò sẽ cần khoảng 2-3 lá chuối có chiều ngang khoảng 15cm để gói 2 đầu của khoanh giò Tết.
Bạn lấy thêm 4 lá chuối để gói thân giò. Xếp 2 lá chuối ngang và 2 lá chuối dọc vuông góc với nhau sao cho 2 lá bên dưới theo mắt bạn là chiều dọc, 2 lá bên trên theo mắt bạn là chiều ngang.
Khi lá chuối đã được đặt cố định, bạn cho phần thịt đã được giã nhuyễn ở trên vào giữa lá chuối và dùng tay bắt đầu quấn tròn lá lại. Tay quấn lá phải được giữ thật chắc hoặc sử dụng dây buộc phần lá đã được quấn ở giữa lại. Với hai đầu giò cũng là hai đầu lá, bạn gấp 1 đầu trước rồi dựng cây giò theo chiều dọc và gấp phần lá chuối còn thừa lại. Ở hai đầu giò sẽ dùng mỗi bên 2 miếng lá chuối đã được cắt ở bước trước đó phủ lên theo hình chữ thập rồi dùng lạt buộc lại. Nếu cần thiết bạn có thể buộc thêm lạt ở giữa để giò được chặt hơn.
Giai đoạn 4: Hấp giò
Giò Tết bây giờ đang có hình dáng của những chiếc bánh chưng Tết. Chúng ta sẽ hấp giò chín từ từ trong nồi hấp hoặc dụng cụ hấp giò chuyên dụng. Hấp giò trong khoảng 1 tiếng và luôn đậy kín nắp. Mẹo để biết chính xác giò đã chín hay chưa là dùng cây tăm chọc vào thân giò nếu không còn dính thịt hoặc nước tiết ra là giò đã chín.
Để thêm một lúc, vớt giò ra và để nguội tự nhiên là chúng ta đã thành công với cách làm giò Tết theo kiểu truyền thống của ông bà . Có một lưu ý nhỏ là khi hấp, giò sẽ phồng lên nhưng sau khi để nguội sẽ quay trở về hình dáng ban đầu nên bạn đừng lo là giò sẽ bị xấu trong lúc đang hấp nhé!
Giống như bánh chưng, món giò Tết xuất hiện ở tất cả những mâm cơm của người Việt trên khắp thế giới trong dịp Tết cổ truyền. Không có giò là thiếu đi chút hương vị Tết nên cách làm giò Tết được Food.com.vn chia sẻ sẽ giúp mùa Xuân năm mới tròn đầy hơn cho mọi nhà.