Giai đoạn này mỗi năm, các vườn hoa đã tấp nập người ra vào vô cùng nhộn nhịp. Năm nay, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, làng hoa Phó Thọ - Bà Bộ, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ đìu hiu.
Nhiều nông dân trồng hoa ở miền Tây chủ động giảm sản lượng, thấp thỏm lo lắng lượng tiêu thụ hoa sẽ giảm khi người dân khắp nơi đang chắt chiu hơn trong chi tiêu.
Theo đó, các hộ trồng hoa kiểng tại làng Phó Thọ - Bà Bộ không dám mạo hiểm, chỉ sản xuất cầm chừng hoa Tết. Bên cạnh đó, giá vật tư nông nghiệp lại tăng, bà con chỉ dám trồng cỡ 15 đến 20% sản lượng mọi năm vì sợ thua lỗ, phải đem bỏ.
Không chỉ riêng tỉnh Cần Thơ, tại huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) và làng hoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) cũng đồng loạt giảm sản lượng hoa kiểng.
Đây là hai nơi cung ứng số lượng lớn hoa kiểng cho nhiều tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán.
Một số nhà vườn chia sẻ: Do dịch Covid-19 nên vườn chỉ tập trung vào các loại hoa ngắn ngày, chứ không chạy theo số lượng như mọi năm. Các hộ cũng tập trung chăm sóc các loại cây trang trí nội thất, cây công trình, bonsai thì dễ tiêu thụ và thời gian chơi được lâu hơn.
Mỗi năm huyện Chợ Lách cung ứng cho thị trường Tết khoảng 8 - 9 triệu chậu hoa, cây cảnh. Tuy nhiên, năm nay, ngành nông nghiệp huyện đã khuyến cáo nông dân giảm 50% sản lượng.
Người trồng hoa ở Đà Nẵng cũng thấp thỏm vụ hoa Tết
Tại những vựa hoa Tết ở thành phố Đà Nẵng đang khá ảm đạm. Người trồng hoa thấp thỏm lo âu vì tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, hoa sẽ không bán cho các tỉnh, thành khác được.
Thêm vào đó, thời tiết bất thường, các loại sâu bọ, côn trùng phá hoại xuất hiện nhiều, giá các loại thuốc bảo vệ thực vật lại tăng cao nên người trồng hoa càng khó khăn.
Có thể thấy, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và giãn cách xã hội kéo dài thời gian qua đã khiến thu nhập của nhiều người trở nên khó khăn nên việc mua sắm hoa Tết chắc chắn giảm mạnh.