Lúa “khổng lồ” cao 2m ở Trung Quốc, chuyên gia Việt Nam nhận định gì về giá trị thu lợi? 

Loại lúa khổng lồ cao trên 2m của Trung Quốc được cho là ít có giá trị thực tiễn, theo các chuyên gia nông nghiệp Việt Nam, để chăm sóc cây lúa với chiều cao như vậy, người nông dân phải đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu, nước tưới… cao hơn gấp 3 lần so với lúa lai thông thường. 

Theo đó, giống lúa khổng lồ độc đáo này đang được trồng thử nghiệm ở Trùng Khánh, phía tây nam Trung Quốc với diện tích 15 mu (khoảng 10.000 mét vuông) và dự kiến ​​sẽ cho thu hoạch vào tháng 9.

Truyền thông Trung Quốc dẫn lời ông Chen Yangpiao, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Lúa lai Quốc gia Trung Quốc, chi nhánh Trùng Khánh cho biết, giống lúa khổng lồ được các nhà khoa học gieo mạ ở làng Changhong, vào tháng 4 năm nay và sau đó nhổ lên xuống giống vào tháng 5. Năng suất mỗi mu ước tính có thể đạt 750-900 kg (666 mét vuông).

Theo ông Chen, chiều cao trung bình của mỗi cây lúa khổng lồ này là từ 1,8m đến 2,25m, cao hơn nhiều so với các giống lúa thông thường.

Ngoài ra, đây là giống lúa có thân cuống rất cứng cáp và có khả năng chống chịu được ngập úng và phát triển tốt trên đất phèn mặn. Đặc biệt giống lúa khổng lồ này cũng có thể cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho hệ thực vật ở xung quanh và là môi trường tốt cho các loài thủy sinh và động vật trú ẩn bên dưới.

Lúa khổng lồ
Lúa "khổng lồ" cao 2m.

Trong khi đó, đánh giá về loại lúa cao “khổng lồ” này, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa, Học viện Nông nghiệp cho biết, giống lúa khổng lồ này không phải là giống mới. Đây là giống lúa tứ bội do ông Viên Long Bình (cha đẻ của ngành lúa lai ở Trung Quốc mới qua đời vào tháng 5/2021) làm ra vào năm 2011; là giống lúa có ý nghĩa về khoa học, nhưng ít mang tính ứng dụng trên thực tế.

PGS.TS Nguyễn Văn Hoan phân tích: Hệ số thu hoạch của giống lúa khổng lồ này rất thấp. Thông thường, số thóc thu được trên tổng số sinh khối của cây lúa phải đạt 50% trở lên mới đem lại hiệu quả cho người nông dân.

Như thu hoạch được 10 tấn sinh khối gồm cả rơm rạ và hạt lúa, thì phải có 5 tấn thóc trở lên mới tạo ra lợi nhuận. Nhưng hệ số này ở giống lúa khổng lồ rất thấp, chỉ đạt từ 35 - 40%.

Giống lúa tứ bội này thân rất to (bằng ngón tay út), lá to, vỏ trấu dày trong khi hạt gạo lại không quá lớn, chỉ nặng hơn hạt gạo bình thường khoảng 20% (hạt gạo thông thường là 25g thì hạt gạo tứ bội đạt khoảng 30g). Điều này dẫn đến, mỗi kilogam thóc chỉ cho khoảng 0,6kg gạo, trong khi gạo thông thường đạt 0,8kg.

Để chăm sóc cây lúa với chiều cao như vậy, người nông dân phải đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu, nước tưới… cao hơn gấp 3 lần so với lúa lai thông thường. Hệ số thu hoạch thấp, phần rơm rạ quá nhiều là những lý do khiến giống lúa này ít có khả năng nhân rộng.

“Có ý tưởng cho rằng trồng lúa để lấy sinh khối nuôi trâu bò. Nhưng sinh khối của cây ngô đạt năng suất cao hơn rất nhiều, nên ý tưởng không khả thi”, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan cho biết.

Theo ông Hoan, ở Việt Nam, các nghiên cứu trong lĩnh vực lúa đều phải xuất phát từ thực tiễn để đáp ứng yêu cầu sản xuất. Việc làm ra các giống lúa năng suất cao, chống chịu sâu bệnh, chất lượng cao... trong điều kiện đồng ruộng cụ thể vẫn là mục tiêu hướng tới của các nhà khoa học. 

Đánh giá:  
2.5 / 5  (2 bình chọn)

Ẩm thực

Nổi bật