Tình hình dịch bệnh thế giới: Diễn biến ổ dịch mới ở Trung Quốc, Malaysia tiêm mũi tăng cường cho một số đối tượng

Ngày 19/9, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết nước này ghi nhận 66 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 43 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 23 ca nhập cảnh.

Theo trang thống kê, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 346.000 ca bệnh COVID-19 và trên 5.600 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 229 triệu ca, trong đó trên 4,7 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 31.000 ca), Ấn Độ (30.809 ca) và Anh (29.612 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (793 ca), Mexico (765 ca) và Iran (391 ca).

Châu Á đến nay vẫn đang là điểm nóng dịch COVID-19 trên toàn thế giới, với tổng số ca mới hằng ngày ở mức cao nhất so với khu vực khác. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ, Philippines, Iran, Thái Lan là những nước ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất khu vực này, dao động từ khoảng 13.500 đến 31.000 ca. Đến nay, châu Á có tổng cộng 74,1 triệu ca mắc, trong đó có trên 1,09 triệu ca tử vong do COVID-19.

Tính từ đầu đại dịch, Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về cả ca mắc và tử vong, lần lượt là trên 42,8 triệu và gần 692.000 ca.

Trung Quốc tạm dừng các hoạt động chuẩn bị cho dịp Tết Trung Thu ở Phúc Kiến

 

Ngày 19/9, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết nước này ghi nhận 66 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 43 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 23 ca nhập cảnh.

Theo số liệu của NHC, trong số các ca mắc nhập cảnh có 9 ca ở Vân Nam, Hồ Bắc, Quảng Tây và Tứ Xuyên mỗi nơi 3 ca, Thượng Hải và Quảng Đông mỗi nơi 2 ca và 1 ca ở Thiên Tân. Không có thêm trường hợp tử vong vì COVID-19 nào được ghi nhận tại Trung Quốc đại lục trong ngày 18/9.

Tính tới ngày 18/9, Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 8.792 ca mắc COVID-19 nhập cảnh, trong đó 8.248 bệnh nhân đã được xuất viện và vẫn còn 544 ca đang được điều trị. Tổng số bệnh nhân COVID-19 đã được ghi nhận tại Trung Quốc là 95.689 người, trong đó 4.636 người đã tử vong và 90.126 bệnh nhân đã bình phục.

Ổ dịch Covid-19 mới ở tỉnh Phúc Kiến, do biến chủng Delta gây ra, đặt các quan chức Trung Quốc vào tình trạng cảnh giác cao độ, nhất là khi Tết Trung thu và kỳ nghỉ lễ mừng quốc khánh Trung Quốc sắp diễn ra. 

Các biện pháp nghiêm ngặt đã được áp dụng ở tỉnh Phúc Kiến để ngăn sự lây lan của ổ dịch Delta mới, bao gồm cả việc kêu gọi người dân không rời khỏi nhà, trừ khi có việc cần thiết và tạm dừng các hoạt động chuẩn bị cho dịp Tết Trung Thu sắp đến. 

Cuba đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên

 

Dù việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ nhỏ là không bắt buộc nhưng nhiều bậc phụ huynh tại Cuba đã đưa con tới các phòng khám, bệnh viện và thậm chí là chuyển trường để con họ được đi tiêm. 

Theo ghi nhận của CNN, chỉ trong một ngày, một phòng khám đa khoa tại thủ đô Havana của Cuba đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 230 trẻ em trong độ tuổi từ 3-5. Để giúp những đứa trẻ thoải mái khi tiêm, các bác sĩ đã đeo thêm tai chuột Mickey và mang theo một chú hề tới phòng khám. Giống như người lớn, trẻ em tại Cuba sẽ được tiêm 3 mũi vaccine ngừa COVID-19 do nước này sản xuất.

Nhãn

Được biết, trong thời gian qua, sự bùng phát của biến thể Delta đã khiến số trẻ em mắc COVID-19 tăng vọt. Theo đó, Bộ trưởng Y tế Cuba Jose Portal Miranda đã bình luận trong một bài báo trên trang web Cubadebate của chính phủ vào tháng 9 rằng: "Thật đáng báo động về số ca nhiễm biến thể SARS-CoV-2 mới ở nhóm trẻ em tại Cuba trong những tháng qua. Trong đó, nhiều trường hợp bệnh nhi là trẻ sơ sinh có các triệu chứng nghiêm trọng hoặc trong tình trạng nguy kịch".

Sự bùng phát của biến chủng Delta đã buộc Cuba phải lùi kế hoạch tựu trường vào tháng 9. CNN cho biết việc truy cập Internet để học trực tuyến tại nhà là điều xa xỉ với nhiều gia nên trẻ em tại Cuba thường xuyên phải học qua chương trình truyền hình. Điều này đã khiến nhiều bậc phụ huynh phàn nàn về việc con của họ bị bỏ lại. Trước tình hình trên, vào tháng 9, Cuba đã bắt đầu chương trình tiêm chủng cho trẻ em từ 2 tuổi nhằm đạt mục tiêu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 90% người dân để mở lại biên giới vào tháng 11 tới. Các quan chức cho biết họ có thể sẽ đợi đến thời điểm này để mở cửa trở lại cả trường học. 

Bộ Y tế Ấn Độ hướng dẫn các bang theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh ở địa phương

 

Chính phủ liên bang của Ấn Độ đã yêu cầu các bang tiến hành phân tích sâu về tình hình COVID-19, củng cố cơ sở hạ tầng y tế, gia tăng dự trữ thuốc men thiết yếu và tăng cường nguồn nhân lực.

Những chỉ đạo trên được đưa ra trong cuộc họp trực tuyến do Chánh văn phòng Nội các Ấn Độ Rajiv Gauba chủ trì nhằm xem xét chiến lược ứng phó và kiểm soát COVID-19.

Trong một tuyên bố, Bộ Y tế Ấn Độ nêu rõ: "Ông nhắc nhở các bang rằng không có chỗ cho sự tự mãn và nhấn mạnh về sự cần thiết phải thực thi nghiêm túc quy định Hành xử Phù hợp COVID-19. Ông đã khuyên các nhà quản lý y tế bang tiến hành phân tích chi tiết tình hình COVID-19, tăng cường cơ sở hạ tầng y tế, tiến hành dự trữ thuốc thiết yếu và tăng cường nhân lực sớm nhất để ứng phó với bất kỳ đợt bùng phát tiềm tàng các ca nhiễm”.

Về mùa lễ hội sắp tới, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết các bang được chỉ đạo đảm bảo và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng ngừa cần thiết để tránh tụ tập đông người và có quá nhiều người trong không gian kín. Bộ Y tế cũng hướng dẫn các bang theo dõi chặt chẽ tình hình số ca bệnh ở các huyện hàng ngày để xác định các tín hiệu cảnh báo sớm và đảm bảo áp dụng các biện pháp hạn chế nếu cần thiết.

Diễn biến dịch bệnh phức tạp ở Asean

Malaysia sẽ tiêm mũi vaccine tăng cường cho nhân viên tuyến đầu và người cao tuổi

 

Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri cho biết chính phủ nước này đã quyết định tiêm mũi tăng cường vaccine COVID-19 cho những nhân viên y tế tuyến đầu và người cao tuổi để nâng cao hệ miễn dịch. 

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 19/9, Thủ tướng Ismail nhấn mạnh việc triển khai mũi tiêm tăng cường cho các nhóm có nguy cơ cao như có bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch và người cao tuổi sẽ được triển khai sau khi tỷ lệ tiêm chủng quốc gia đạt 80% nhóm người trưởng thành. Mũi tiêm tăng cường này sẽ làm tăng khả năng miễn dịch ở những người có nguy cơ cao vì khả năng miễn dịch của họ có thể suy giảm sau một thời gian nhất định kể từ khi tiêm mũi thứ hai.

Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết việc triển khai mũi tiêm tăng cường có thể sẽ được bắt đầu vào tháng 10 tới.

Theo thống kê của Chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19, tính đến ngày 18/9, đã có 78,2% người Malaysia trưởng thành hoàn thành tiêm chủng. Riêng ngày 18/9 Malaysia đã thực hiện được 232.559 mũi tiêm. Tính trên tổng dân số, có khoảng 67,2% được tiêm ít nhất 1 mũi và 56% đã tiêm chủng đầy đủ. Tính đến hết ngày 18/9, trong 24 giờ qua, Malaysia có thêm 15.549 ca mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 2.082.876 ca. Có thêm 324 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 ở nước này lên 23.067 ca.

Lào tăng cường biện pháp phòng dịch COVID-19

 

Bộ Y tế Lào ngày 19/9 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 371 ca mắc mới COVID-19; trong đó có tới 303 ca cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Như vậy, đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 19.185 ca, trong đó có 16 người tử vong. 

Theo Bộ Y tế Lào, số ca lây nhiễm trong cộng đồng tại nước này vẫn ở mức cao. Đáng chú ý, thủ đô Viêng Chăn tiếp tục ghi nhận số ca cộng đồng cao nhất cả nước với 225 ca; trong đó, ổ dịch tại một nhà máy may mặc trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp khi ghi nhận 179 trường hợp mắc COVID-19 trong một ngày. Ngoài ra, một số tỉnh khác của nước này vẫn ghi nhận nhiều ca lây nhiễm cộng đồng trong một ngày như: Khammuan 27 ca, Champasak 26 ca…

Trước tình hình trên, Chính phủ Lào đêm 18/9 đã gửi thông báo hỏa tốc, đồng ý với đề nghị của Chính quyền thủ đô Viêng Chăn cho phép phong toả cục bộ 4 quận nội thành và một phần của 3 quận khác tại thủ đô kể từ 0h ngày 19/9 đến 24h ngày 30/9.

Đề nghị được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm cộng đồng ở thủ đô Viêng Chăn những ngày qua gia tăng đáng lo ngại, được cho là do người dân phớt lờ các quy định phòng chống lây nhiễm, tụ tập đông người ở nhiều nơi trong thành phố. Việc thủ đô Viêng Chăn ngày 18/9 phát hiện một ổ dịch lớn với 247 ca nhiễm tại một nhà máy may đã làm dấy lên nguy cơ bùng phát trên diện rộng và buộc chính quyền phải đi tới quyết định trên.

Iran mở cửa trở lại các bảo tàng sau hơn một năm ngừng hoạt động

Ngày 19/9, Iran đã cho mở cửa trở lại các bảo tàng ở thủ đô Tehran và nhiều thành phố khác sau hơn một năm ngừng hoạt động vì đại dịch COVID-19.

Giám đốc các viện bảo tàng của Iran, Mohammad-Reza Kargar cho biết: "Các bảo tàng ở Tehran và những thành phố lớn không còn thuộc vùng đỏ đã hoạt động trở lại. Chúng tôi chào đón khách du lịch, tham quan đồng thời cũng sẽ giám sát kỹ lưỡng các biện pháp phòng dịch". 

Là một quốc gia sở hữu bề dày văn hóa và lịch sử, Iran có tới 746 bảo tàng, trong đó 170 bảo tàng ở Tehran. Theo ông Kargar, để bảo đảm sức khỏe cho mọi người, số lượng khách tham quan sẽ phụ thuộc vào quy mô bảo tàng đồng thời những quy định dịch tễ được yêu cầu triển khai nghiêm túc.

Trong 14 tháng qua, do những biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19, các bảo tàng ở Iran chỉ cho phép nhân viên, nhà nghiên cứu, sinh viên được tiếp cận. Trong năm trước khi dịch COVID-19 buộc các bảo tàng ở Iran phải đóng cửa hồi tháng 5/2020, các bảo tàng này đã thu hút hơn 21 triệu lượt khách tham quan. 

Iran là quốc gia Trung Đông bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19, với trên 5,4 triệu ca mắc trong đó có trên 117.000 ca tử vong theo số liệu chính thức của Bộ Y tế nước này cập nhật ngày 19/9. Đã có 29 triệu người Iran trong tổng số 83 triệu dân được tiêm 1 mũi vaccine phòng COVID-19 và gần 14 triệu người đã tiêm phòng đầy đủ.

Đánh giá:  
 Chưa có bình chọn nào

Ẩm thực

Nổi bật