Tình hình dịch bệnh thế giới: Biến thể Delta lây lan phức tạp ở Lào, Malaysia chuẩn bị mở cửa

Theo Bộ Y tế Lào, tình trạng lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng tại nước này cho thấy dịch đang diễn biến phức tạp ở cả thủ đô Vientiane và nhiều tỉnh của Lào, trong đó có Champasak, Khammuon, Savannakhet. Đáng chú ý, hầu hết các bệnh nhân đều nhiễm biến thể Delta rất dễ lây lan.

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 16/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 227.150.515 ca, trong đó có 4.671.404 người tử vong.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh trong ngày đang có dấu hiệu chững lại trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong cũng có xu thế giảm.

Nhiều nước Á-Âu tình hình vẫn đáng ngại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Mỹ, Ấn Độ, Iran, Anh và Brazil số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động. Mỹ lại quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới với trên 127.000 ca, trong khi số ca tử vong cũng dẫn đầu với gần 2.000 trường hợp.

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 202 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là gần 19 triệu ca và trên 103.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 15/9, thế giới có 104 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 84 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với 42.433.211 ca mắc và 684.576 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 33 triệu ca mắc và trên 443.900 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 21 triệu ca bệnh, trong đó trên 588.000 ca tử vong.

Đông Nam Á vẫn đang là điểm dịch nóng nhất châu Á

Biến thể Delta lây lan phức tạp, thách thức cả người đã tiêm hai mũi vaccine tại Lào

 

Ngày 15/9, Bộ Y tế Lào cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 223 ca mắc mới Covid-19 gồm 65 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 158 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là số ca lây nhiễm trong cộng đồng nhiều nhất trong 1 ngày mà Lào từng ghi nhận.

Như vậy, đến nay, tổng số ca mắc Covid-19 tại Lào là 17.905 ca, trong đó có 16 người không qua khỏi.

Bộ Y tế Lào cho biết các cụm dịch mới trong cộng đồng liên quan đến hoạt động tụ họp của người dân để thực hiện nghi lễ tôn giáo, ma chay… cho đến các chợ thực phẩm.

Ngoài ra, nhiều ca lây nhiễm còn là nhân viên y tế, lực lượng vũ trang và nhân viên quản lý khu cách ly. Đặc biệt, trong số này có nhiều người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19.

Trước tình hình trên, Bộ Y tế Lào kêu gọi người dân tránh tụ tập đông người tại các sự kiện để giảm nguy cơ lây nhiễm, cũng như kêu gọi người dân tuân thủ chặt chẽ hơn nữa các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh đã được khuyến cáo.

Indonesia dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch ở Indonesia nghiệm trọng nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này tiếp tục cho thấy tín hiệu hiệu hạ nhiệt, khi số ca mắc và tử vong bắt đầu giảm nhanh. Có thể nói Indonesia đã qua đỉnh dịch này.

Malaysia tình hình dịch bệnh đang ngày càng đáng lo ngại

Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua, trong khi số người chết vì COVID-19 cũng ở mức báo động.Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố ố liệu dịch bệnh. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức báo động.

Thái Lan: Số ca lây nhiễm cộng đồng tăng mạnh

Trong vài tuần gần đây, số ca nhiễm mới ở Thái Lan tăng mạnh, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh, lùi ngày mở cửa du lịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 15/9 ghi nhận thêm trên 13.000 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 128 người, giảm nhẹ so với mức của mấy ngày trước đó.

Số ca nhiễm ở Campuchia có xu thể tăng trở lại

 

So với mấy ngày trước đây, với 653 bệnh nhân mới và 9 ca tử vong trong một ngày qua. Song Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, Campuchia đang tính nới lỏng giãn cách xã hội.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 245.308 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 958 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng vượt ngưỡng 11 triệu ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là trên 10 triệu trường hợp.

Ngày 15/9, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nhật Bản đã nhất trí tăng cường nỗ lực hướng tới phục hồi kinh tế sau khi đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến sản lượng công nghiệp.

Các biện pháp hạn chế đi lại đặc biệt của Mỹ

Ngày 15/9, Điều phối viên COVID-19 của Nhà Trắng Jeff Zient thông báo Mỹ đang xây dựng một "hệ thống mới cho du lịch quốc tế", trong đó sẽ giảm thiểu các thủ tục  mạnh mẽ như truy dấu vết tiếp xúc.

Trong thông báo, ông Zient cho biết: “Mỹ hiện đang làm việc để sẵn sàng thay thế các hạn chế hiện tại bằng một hệ thống đi lại quốc tế an toàn hơn, mạnh mẽ hơn và bền vững hơn”. Tuy nhiên, theo ông Zient, chính quyền Tổng thống Joe Biden không có kế hoạch nới lỏng ngay lập tức bất kỳ hạn chế đi lại nào vì sự lây nhiễm của biến thể delta và đang xem xét các yêu cầu về tiêm chủng đối với công dân nước ngoài du lịch đến Mỹ.

Trước đó vào tháng 8, theo truyền thông địa phương, Nhà Trắng đang đưa ra các yêu cầu tiêm vaccine đối với hầu hết du khách nước ngoài. Các hạn chế đi lại đặc biệt của Mỹ lần đầu tiên được áp dụng đối với Trung Quốc vào tháng 1/2020 nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, và sau đó là với một số quốc gia khác như Ấn Độ vào tháng 5/2021.

Mỹ hiện cấm nhập cảnh vào quốc gia này đối với các công dân không phải là công dân Mỹ ở Anh trong vòng 14 ngày và từ  26 quốc gia Schengen ở Châu Âu không có kiểm soát biên giới, Ireland, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Iran và Brazil. Mỹ cũng tiếp tục hạn chế hoạt động đi lại không thiết yếu đối với những người không phải là công dân Mỹ qua biên giới giữa Mỹ với Canada và Mexico.

Australia dỡ bỏ lệnh giới nghiêm tại Sydney

Giới chức thành phố Sydney, thuộc bang New South Wales, đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm tại các điểm nóng dịch COVID-19 ở thành phố này, trong bối cảnh số ca mắc mới giảm và tiến độ tiêm vaccine được đẩy nhanh. Theo đó, lệnh giới nghiêm từ 21h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau sẽ được dỡ bỏ tại các điểm nóng kể từ ngày 15/9.

Người dân Sydney hy vọng đây là dấu hiệu bắt đầu chấm dứt tình trạng phong tỏa kéo dài. Dự kiến, chính quyền bang New South Wales sẽ nới lỏng thêm nhiều biện pháp khác khi 70% người dân tiêm phòng đủ liều, nhiều khả năng vào tháng 10 tới.

Chính sách nghiêm khắc yêu cầu người dân tiêm vaccine của Pháp

 

Tại Pháp, kể từ ngày 15/9, nhân viên bệnh viện, tài xế xe cứu thương, nhân viên viện dưỡng lão, bác sĩ tư nhân, lính cứu hoả và những người chăm sóc người già hoặc người ốm tại nhà - tổng cộng khoảng 2,7 triệu người - phải có chứng nhận đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 hoặc sẽ bị tạm thời phải nghỉ việc hoặc không được trả lương.

Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra tối hậu thư từ 2 tháng trước, song hàng chục nghìn người trong diện này vẫn chưa tiêm vaccine. Một trong những công đoàn khu vực công lớn nhất của Pháp, CGT, đã cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng nếu chính phủ đình chỉ một số lượng lớn nhân viên y tế và cấm các bác sĩ khu vực tư nhân hành nghề.

Ấn Độ đang xem xét sớm nối lại công tác xuất khẩu vaccine COVID-19

 

Chủ yếu là sang thị trường châu Phi, trong bối cảnh đa số người trưởng thành ở nước này đã hoàn tất tiêm chủng ngừa COVID-19 và nguồn cung vaccine đã gia tăng.

Ấn Độ - nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới - đã ngừng xuất khẩu vaccine từ tháng 4 vừa qua để tập trung cho chiến dịch tiêm chủng trong nước, trong bối cảnh làn sóng thứ hai của dịch COVID-19 bùng phát. Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu tiêm chủng cho toàn bộ 944 triệu người trưởng thành vào tháng 12 tới. Tính đến thời điểm hiện tại, 61% dân số Ấn Độ đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19.

Trước khi ngừng xuất khẩu vaccine, Ấn Độ đã tặng hoặc bán 66 triệu liều vaccine cho gần 100 quốc gia. Nước này đã đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng từ tháng trước, đặc biệt là khi nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, Viện Huyết thanh Ấn Độ, đã tăng hơn gấp đôi sản lượng vaccine của AstraZeneca NSE 0,33% lên 150 triệu liều một tháng so với mức tháng 4.

Đan Mạch vẫn cảnh báo về một thách thức đang đe dọa nỗ lực miễn dịch cộng đồng

Nhờ tiêm chủng, Đan Mạch trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên gỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế Covid-19. Tuy nhiên, theo số liệu mới, nhiều nhóm nhập cư không phải người phương Tây ở Đan Mạch vẫn tiếp tục từ chối tiêm vắc xin Covid-19, bất chấp những lời kêu gọi tha thiết từ giới chức nước này. 

Theo báo cáo của Viện Huyết Thanh Đan Mạch (SSI), chỉ có 38,8% người gốc Somali ở Đan Mạch đã được tiêm chủng ít nhất một mũi vắc xin Covid-19. Con số này ở nhóm người gốc Lebanon và Syria ở Đan Mạch lần lượt là 40,7% và 45,2%, theo trang tin địa phương BT. 

Trong khi đó, 73,3% dân số Đan Mạch đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin Covid-19. 

Søren Brostrøm, người đứng đầu Ủy ban Y tế quốc gia Đan Mạch, đã nhận thấy thách thức này. "Virus SARS-CoV-2 không phân biệt bất kỳ ai. Tất cả đều có thể bị lây nhiễm. Vì thế hãy đi tiêm chủng ngay lúc này. Vắc xin không nguy hiểm", ông Brostrøm thúc giục hồi tháng 8. 

Ủy ban Quốc gia Đan Mạch đang cố hết sức để vận động người nhập cư đi tiêm vắc xin Covid-19. Ngoài việc gõ cửa từng nhà để kêu gọi và thành lập các trung tâm tiêm chủng di động, ông Brostrøm còn tới các buổi cầu nguyện để thúc giục mọi người đi tiêm. 

Tuần trước, Đan Mạch trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên hủy bỏ tất cả các biện pháp hạn chế Covid-19. Cho đến nay, quốc gia này ghi nhận tổng số 353.000 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 2.600 ca tử vong. 

Đánh giá:  
 Chưa có bình chọn nào

Ẩm thực

Nổi bật