Những sai lầm mẹ kế, cha dượng thường hay mắc phải:
1. Cố gắng trở thành một ông bố bà mẹ dễ chịu
Theo tiến sĩ tâm lý học Ramani Durvasula, để lấy lòng những đứa con riêng của chồng/vợ, rất nhiều mẹ kế bố dượng đã sử dụng cách tặng quà hay nới lỏng các nội quy trong gia đình. Tuy nhiên, chiến thuật này có thể gây hại bởi chiều chuộng theo mọi ý muốn của đứa trẻ sẽ làm hỏng quan hệ cha mẹ và con cái. Đứa trẻ biết nó đã điều khiển được mối quan hệ này và nó cũng có thể ra ngoài kể xấu về cha/mẹ kế với các bạn.
Bạn có thể dùng những cách khác để gắn bó gia đình, như tạo điều kiện cho cả nhà được tham gia những trải nghiệm cùng nhau: cùng đi du lịch, cùng đi ăn hàng... Và nên thực hiện những hoạt động gắn bó gia đình này ít nhất mỗi tháng một lần.
2. Nóng lòng mong có một gia đình hạnh phúc ngay lập tức
Bình thường một gia đình hỗn hợp (gia đình đa huyết thống) thường mất khoảng 7 năm để hòa hợp với nhau. Các thành viên trong những gia đình này thường có xu hướng hành động và cư xử giống như ở trong gia đình cũ, nên việc hòa hợp khó khăn như việc ta cố nhét một chiếc hộp vuông vào cái lỗ tròn.
Connie Brooks, một người mẹ kế ở Los Angeles (bang California, Mỹ) cho biết, điều quan trọng là bạn phải được chấp nhận trong gia đình. Trong nhiều năm, cô cảm thấy mình như người thừa khi chồng và con gái riêng cùng hồi tưởng lại những câu chuyện cũ. Cô đã phải rất bản lĩnh khi cố gắng mỉm cười mà trong lòng đau quặn. Rồi đến một ngày, con gái riêng của chồng bắt đầu kể những câu chuyện mới và cô đã trở thành một phần ở đó.
3. Cho phép những đứa con riêng được thô lỗ với mình
Tiến sĩ Durvasula cho biết trẻ em có thể bực bội với cha/mẹ kế nên đã đối xử với cha/mẹ kế một cách vô lễ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chấp nhận hành vi này bởi hy vọng sẽ giành được cảm tình của đứa con riêng.
LuAnn Schindler, giáo viên và cũng là một người mẹ kế ở Norfolk (bang Nebraska, Mỹ) khuyên rằng nên xử lý những thái độ này của đứa trẻ một cách trực tiếp. Chị nhớ lại, cô con gái riêng của chồng đã liên tục chê bai khi chị trộn bột làm bánh nướng: “Cô làm sai rồi. Mẹ cháu không nướng bánh theo kiểu này”. Trong suốt những ngày cuối tuần sau đó, cô bé luôn chỉ ra những điều Schindler và mẹ cô bé đã không làm giống nhau. Câu trả lời chung của Schindler cho mỗi lần chê bai của bé đều là nhún vai và nói rằng: “Cháu ơi, người ta có nhiều cách để hoàn thành một việc”. Và sau đó, những sự khác biệt này không còn là vấn đề nữa.
4. Đảm nhận vai trò của cha mẹ ngay lập tức
Nhiều cha mẹ kế thường cố gắng kỷ luật trẻ khi chưa kịp xây dựng lòng tin với đứa trẻ bởi họ đã được người bạn đời trao quyền đó. Tuy nhiên, hành động này khiến đứa trẻ sẽ thiếu tin tưởng và không tôn trọng cũng như không thích họ.
Hãy lấy lòng trẻ nhưng không vượt qua các giới hạn. Hãy là một người lớn biết quan tâm và có trách nhiệm với bé, giống như một người dì, người cậu, giống như ông bà yêu cháu. Bạn có thể hành động như một người bố, người mẹ khi đứa trẻ có nguy cơ làm một điều gì đó ngu ngốc và bạn là người duy nhất ở bên cạnh lúc đó để ngăn cản bé. Nhưng bạn không nên đóng vai phụ huynh quá nhiều trong những khoảng thời gian khác. Theo tiến sĩ Durvasula, điều này là đặc biệt quan trọng, nhất là khi cha mẹ đẻ vẫn còn nhiều liên quan đến cuộc sống của bé.
5. Đặt kỳ vọng quá cao
Cha mẹ kế gặp áp lực rất lớn khi vừa sống trong những định kiến xã hội (Mấy đời bánh đúc có xương?Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng) vừa phải thực hiện tốt những công việc trong gia đình của mình. Nếu cố gồng mình để trở thành một siêu cha mẹ kế, một người chồng, người vợ tuyệt vời… cuối cùng bạn có thể kiệt sức, choáng ngợp và không thể kiểm soát được cảm xúc.
Khi bạn ngừng cố gắng để trở thành tốt nhất, mọi thứ sẽ thay đổi. Nếu bạn nhìn nhận mọi việc đơn giản hơn, không đặt mục tiêu mình phải làm điều này điều kia nữa thì cuộc sống gia đình với bạn sẽ bình yên hơn và mối quan hệ của bạn với người bạn đời cũng như con riêng của người đó sẽ dễ chịu hơn.
6. Nói xấu bố/mẹ đẻ của bé
Nhiều người thường có xu hướng kể ra ngoài khi bố mẹ đẻ của bé chậm khoản tiền góp nuôi con hay không nắm được các lịch hoạt động trong trường của bé. Thực ra việc làm này là không nên. Giữ im lặng sẽ giúp nuôi dưỡng tình cảm của bạn với con riêng của vợ/chồng, bởi đứa trẻ sẽ không bao giờ cảm thấy bạn đang buộc chúng phải lựa chọn giữa các bậc phụ huynh với nhau.
Thậm chí, nếu có thể, hãy phát triển quan hệ tốt với bố/mẹ ruột của bé. Không nhất thiết phải trong đám hiếu hỉ mới có cả đại gia đình, trong ngày tốt nghiệp của bé, trong các kỳ nghỉ, tân gia, sinh thêm con, lúc ốm đau và nhiều sự kiện nữa, mọi người vẫn có thể gặp nhau. Hãy thoải mái với nhau và tránh những thời điểm tranh cãi.
7. Không cho bé đủ thời gian một mình với người bạn đời của bạn
Một sai lầm khá phổ biến, với ngay cả những người đã có nhiều năm làm bố mẹ kế, là quên mất rằng đứa trẻ cũng cần có thời gian được ở một mình bên bố/mẹ đẻ của nó. Sai lầm này thường xảy ra vì nhiều người mẹ kế cảm thấy họ bị hai cha con nhà kia cho ra rìa. Cha mẹ ruột có một lịch sử chung với đứa trẻ mà cha mẹ kế không có, điều này có thể dẫn cha mẹ kế đến cảm giác bất an và ghen tị.
Việc tạo điều kiện cho bé và người bạn đời của có thời gian riêng với nhau là rất quan trọng. Khi bạn khuyến khích vợ/chồng mình có thời gian với con riêng, bạn đã gửi một thông điệp rõ ràng rằng, giữa bạn và đứa trẻ không hề có sự cạnh tranh để giành được tình yêu mến và chú ý từ anh ấy/cô ấy. Điều đó cho thấy bạn thực sự mong đứa con riêng của vợ chồng bạn được hạnh phúc.
8. Giảm mức độ ưu tiên đối với người bạn đời của mình
Judy Osborne, một chuyên gia nghiên cứu các gia đình hỗn hợp cho biết nhiều cặp vợ chồng đã không biết rằng, mối quan hệ giữa hai vợ chồng có tác động rất lớn đối với mối quan hệ bố/mẹ kế và con riêng. Trẻ em sẽ vui vẻ hơn rất nhiều nếu thấy mối quan hệ của người lớn tốt đẹp. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vợ chồng phải có thời gian riêng tư. Hãy thỉnh thoảng thuê người trông trẻ, thậm chí đôi khi có thể để đứa trẻ ở nhà một mình nếu nó đủ lớn để có thể tự bảo vệ mình.
9. Quy vấn đề về phía cá nhân khi đứa trẻ thích bố mẹ đẻ hơn bạn
Trong những nghi lễ gia đình như đám cưới, đám tang, đầy tháng bé, những lúc ốm đau bệnh tật, cha mẹ kế dễ dàng cảm thấy mình bị bỏ rơi. Thậm chí 25 năm sau, một cô con gái vẫn thích cha đẻ, chứ không phải là cha dượng, dắt mình đi giữa hai hàng ghế nhà thờ trong đám cưới.
Những đứa con riêng - dù ở độ tuổi nào đi chăng nữa - đều cảm thấy có áp lực từ cha mẹ đẻ của mình để không trao cho cha mẹ kế một vai trò quan trọng trong những sự kiện gia đình. “Trong những trường hợp như thế này, tốt nhất, bạn hãy thể hiện sự ủng hộ của mình bằng cách không tham gia trò chơi “con buộc phải yêu mẹ nhất”.
Đối xử với con riêng của người bạn đời một cách khéo léo, chân thành
1. Tạo ấn tượng ban đầu với con
Để tránh gây áp lực cho lần gặp mặt đầu tiên, bạn nên chủ động bắt chuyện chào hỏi với trẻ, tránh kéo dài thời gian ăn tối và tặng những món quà đắt tiền. Bạn đừng nên đặt quá nhiều kỳ vọng cho lần gặp mặt đầu tiên này. Bất kể điều gì gây áp lực cho trẻ cũng có thể khiến trẻ xa lánh bạn. Điều gì cũng cần có quá trình. Vì thế, bạn không nên nóng vội để trẻ từ từ làm quen với mối quan hệ này. Đến khi nào trẻ đồng ý tiếp nhận, trẻ sẽ có những dấu hiệu giúp bạn nhận ra điều đó.
2. Hãy để thời gian chữa lành mọi vết thương
Nếu sắp bước vào cuộc hôn nhân với người đã từng ly hôn, bạn nên cho con riêng của chồng hoặc vợ thời gian và không gian riêng. Việc bố hay mẹ tái hôn với người khác đồng nghĩa với niềm hy vọng gia đình đoàn tụ của trẻ sẽ tiêu tan. Vì vậy, trẻ sẽ có cảm giác đau buồn, khó chịu, tức tối. Sự đau buồn này có thể khiến trẻ có những hành động làm trì hoãn cuộc hôn nhân mới của bố/mẹ.
Nếu bố/mẹ của trẻ không may qua đời, bạn có thể giúp trẻ nhớ lại những kỷ niệm về bố/mẹ của mình bằng cách kể cho trẻ nghe những câu chuyện, xem hình của bố/mẹ hoặc tổ chức các hoạt động đáng nhớ vào ngày sinh nhật của người bố/mẹ đã mất.
3. Đối xử với trẻ như con ruột của mình
Nếu trẻ vẫn qua lại với bố hoặc mẹ của mình thì bạn có thể sẽ không cần chăm sóc chúng cả tuần. Tuy nhiên, bạn không nên đối xử với trẻ như những vị khách đặc biệt vì như vậy sẽ khiến trẻ cảm thấy mình không thuộc về gia đình. Thay vào đó, bạn có thể nhờ trẻ giúp đỡ việc nhà, kiểm tra bài tập trên lớp và tham gia các buổi họp phụ huynh của trẻ. Lắng nghe, tôn trọng ý kiến và khen ngợi trẻ khi cần thiết.
Bạn không nên áp đặt quan điểm của mình mà bỏ qua suy nghĩ của trẻ. Trẻ cũng có cảm xúc và ý kiến riêng. Dù không phải lúc nào bạn cũng đồng ý với chúng nhưng ít ra bạn cũng lắng nghe nguyện vọng của chúng. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy gần gũi với bạn hơn.
4. Đừng để trẻ cảm thấy lạc lõng
Dĩ nhiên vợ chồng bạn cần có thời gian riêng tư nhưng không nên để trẻ cảm thấy bị bỏ rơi khi hai bạn có những hoạt động mới mà không có sự tham gia của trẻ. Trong những chuyến dã ngoại, thăm viếng họ hàng hoặc tham quan những địa điểm mà trẻ chưa từng đi tới, bạn nên đưa trẻ theo cùng nếu có thể. Ngoài ra, hãy công bằng với trẻ. Nếu trẻ thấy có sự không công bằng, chúng sẽ phản ứng ngay. Hãy dành thời gian nói chuyện với con riêng và con đẻ như nhau. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy an toàn hơn.
Bạn cũng không nên quá “bám chặt” vào bố của trẻ mà hãy cho bố con họ có không gian riêng để nói chuyện với nhau. Nhìn chung, điều quan trọng là vợ chồng bạn nên dành nhiều thời gian vui chơi với trẻ để trẻ không thấy mình lạc lõng trong chính gia đình của mình.
5. Xây dựng một tình bạn bền vững
Đừng tốn thời gian ngồi so đo, tính toán không biết mình đối xử với con riêng của chồng hay vợ như vậy là đã tốt hay chưa và khi nào trẻ mới dành tình yêu thương cho mình. Mới đầu, giữa bạn và con riêng sẽ không có bất cứ tình cảm nào nhưng bạn cứ nuôi và xem trẻ như con ruột của mình, ít nhất là trong vài năm đầu.
Kiên nhẫn xây dựng mối quan hệ với con riêng của chồng hay con riêng của vợ. Đây là bí quyết số một để thành công. Hãy thử làm bạn với trẻ và cư xử đầy yêu thương. Ngoài ra, bạn cũng đừng bắt trẻ gọi bạn là bố hay mẹ ngay lập tức mà cứ để trẻ gọi bạn theo cách mà bé muốn.
6. Tạo dựng lòng tin và sự trung thực
Tin tưởng là một yếu tố quan trọng trong bất cứ mối quan hệ nào và nó cần thời gian để xây dựng. Nhạy cảm và đối xử tốt với con riêng của chồng hoặc con riêng của vợ là cách để tạo dựng lòng tin với trẻ. Trong giai đoạn đầu, không nên cố gắng thay thế bố/mẹ ruột của trẻ. Qua thời gian, trẻ sẽ quan sát cách bạn hành xử trong mọi tình huống. Bạn có chủ động lắng nghe hay không? Bạn có tôn trọng quyền riêng tư của người khác hay không? Bạn có lợi dụng trẻ hay không? Trẻ nhỏ rất nhạy cảm với người thiếu trung thực và không chân thành. Nếu bạn chiếm được lòng tin của trẻ, trẻ sẽ đến tìm bạn như một người bạn để chia sẻ mọi chuyện.
7. Chia sẻ sở thích với nhau
Hãy quan sát xem trẻ thích điều gì hoặc dành nhiều thời gian cho hoạt động nào. Đôi khi trẻ sẽ thấy tò mò với những hoạt động của bạn, hãy đề nghị trẻ tham gia cùng bạn. Mối quan hệ giữa con riêng với mẹ kế, bố dượng cần được vun đắp thường xuyên và cả hai phía đều đóng vai trò quan trọng để duy trì mối quan hệ này.
Nuôi dạy con riêng là một trong những thách thức lớn nhất trong cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, điều gì cũng có giá của nó. Nếu biết nỗ lực và cố gắng, bạn sẽ đem về những phần thưởng rất có giá trị đấy.