Theo đó, trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và chính sách “zero Covid” của Trung Quốc đã khiến việc xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang nước đại lục rơi xuống đáy 5 năm.
Thế nhưng chỉ trong 2 tháng đầu năm 2022, ngành thủy hải sản Việt Nam đã tạo ra cú đột phá tại thị trường 1,5 tỷ dân này.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường Trung Quốc và Hongkong trong tháng 1 và 2 năm 2022 tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt 170 triệu USD.
Trong đó, đột phá nhất là cá tra tăng 240%, cua ghẹ tăng 198% và mực bạch tuộc tăng 146%.
Tôm là mặt hàng có sự tăng trưởng khiêm tốn nhưng dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Theo đó, xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc vẫn tăng 13%, đạt gần 40 triệu USD trong 2 tháng qua.
Trước đó, Trung Quốc thực hiện chính sách “zero Covid”, thắt chặt kiểm tra hàng hóa qua cửa khẩu để truy vết virus Covid-19 trên hàng nhập khẩu. Việc này khiến giao thương gặp khó khăn, hàng hóa thông quan ì ạch. Thậm chí, có giai đoạn nước bạn dừng thông quan dài ngày vì tình hình dịch bệnh căng thẳng.
Theo đó, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang Trung Quốc giảm 17%, xuống 1,1 tỷ USD, mức thấp nhất trong 5 năm qua.
Tuy nhiên, dù xuất khẩu thuỷ sản sang khối thị trường này có sự phục hồi mạnh, nhưng số lô hàng thuỷ sản Việt Nam xuất khẩu sang nước bạn bị cảnh báo phát hiện virus SARS-CoV-2 tăng mạnh.
Do đó, các doanh nghiệp Việt cần thận trọng hơn, kiểm soát và ngăn chặn tình trạng phát hiện virus trên lô hàng nếu không sẽ bị Trung Quốc ra về gây ảnh hưởng và làm giảm uy tín ngành thủy sản Việt Nam. Cá biệt hơn, tình trạng tắt biên sẽ quay trở lại, hàng hóa không thể xuất khẩu được.
Trung Quốc vẫn là thị trường có nhu cầu tiêu thụ mạnh thủy sản do nhu cầu tiêu thụ tại nước này tăng cao.
Tuy nhiên, Trung Quốc thay đổi thường xuyên những quy định về nhập khẩu. Do đó, doanh nghiệp Việt cần tuân thủ đầy đủ các quy định mới về xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc.