Giá hàng hóa và phí giao hàng đều tăng rất cao gần 2 tháng qua, đặc biệt kể từ khi TP.HCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 khiến nhiều gia đình gặp khó khăn.
Sau khi Q.7 (TP.HCM) được mở lại nhiều hoạt động từ ngày 16/9, số quán ăn bán mang về đã nhiều hơn. Các quận lân cận như quận 4, 5, 10, Phú Nhuận... cũng tương tự, quán hàng nhộn nhịp hơn. Dù vậy, giá bán và phí giao hàng cũng vẫn neo ở mức cao mà không hề hạ nhiệt.
Anh Hiệp, chủ quán phở ở quận 10, cho biết: “Giá thành một tô phở tăng, theo nhiều chủ quán, là do giá nguyên liệu thịt tăng 10 - 15%, giá rau ăn kèm các loại tăng 50 - 70%, chi phí 3 tại chỗ cho người lao động, chi phí an toàn chống dịch như xét nghiệm, 5K...
Theo đó, việc tăng giá các món ăn chủ yếu do phí giao hàng và giá nguyên liệu tăng chứ không phải do các chủ quán tăng giá mùa dịch.
Tương tự, chị Thành (chủ một quán ăn ở quận 7), cũng cho biết nguyên liệu rau xanh và củ quả tăng giá mạnh nhất, hơn 60%, còn thịt bò gần như tăng không đáng kể nhờ quán mua tận gốc nhà máy, các món ăn như cơm sườn, cơm gà, bánh canh... vẫn giữ được giá bán như trước dịch. Nhưng vì giá ship vẫn cao nên gây ảnh hưởng cho việc mua về của người dân.
Cụ thể, quán hủ tiếu nam vang ở quận 7 vẫn bán 1 tô giá 65.000 đồng và báo thêm phí giao hàng 30.000 đồng, tổng cộng 95.000 đồng. Với các trường hợp mua cùng quận thì được giá ship đó, nếu mua khác quận phí giao hàng sẽ từ 40.000 – 80.000 đồng, tùy quận.
Nếu đặt một tô hoành thánh giò đầy đủ tại quán quen ở Q.4 thì giá 75.000 đồng, thêm phí ship 45.000 đồng, tổng cộng 120.000 đồng. Trước dịch với combo này chỉ khoảng 80.000 đồng. “Giá vẫn còn cao lắm, mà đặt mua cũng không dễ, có thèm cũng tạm nhịn, chờ khi nào hạ tí nữa chắc mới dám ăn", Chị Huyền Châu (Trung Sơn, quận 7) chia sẻ.
Chị Tuyền (quận Phú Nhuận) muốn đặt các món cháo cho gia đình sau nhiều tháng chỉ nấu ăn ở nhà nhưng không có shipper nào nhận. Đặt ra xa quận thì phí giao hàng tận 75.000 đồng nên chị “đóng app nhịn luôn”.
Chủ tiệm bánh mì Phượng Hoàng (quận Tân Phú) cho biết để tái hoạt động, tiệm đã đăng ký phương án kinh doanh và cam kết hoạt động an toàn bằng văn bản với UBND phường. Trong đó, 4 lao động của tiệm đều phải xét nghiệm COVID-19 trước khi kinh doanh, các nhân viên ăn ngủ tại tiệm theo phương án 3 tại chỗ.
Do quy định phải xét nghiệm COVID-19 định kỳ nên tiệm đã bỏ ra hơn 2 triệu đồng mua bộ xét nghiệm để tự thực hiện theo chu kỳ 2 ngày/lần. Giá thành sản phẩm cũng phải tăng theo.
Chị Tuyết muốn giao hàng từ quận Bình Tân sang Quận Tân Phú thì shipper quen báo giá 100.000 đồng trở lên cho một đơn hàng, cao gần gấp 3 lần so với trước. Thậm chí chưa tới 2 km nhưng shipper cũng báo phí 80.000 đồng, gấp 4 lần ngày thường. “Phí ship lên cao vậy cả tháng rồi và hôm qua vẫn chưa thấy giảm. Khách cũng ngán ngẫm tìm chỗ nào mua gần nhà để khỏi tốn thêm phí".
Trong đó, cùng nhiều hàng quán hiện chưa dám kinh doanh lại mà chờ thêm một khoảng thời gian. Quán của chị Diệp chuyên các món đồng quê cho dân văn phòng buổi trưa và dân nhậu vào buổi tối, với 6 nhân viên phục vụ.
“Nếu chỉ bán mang về thì thu không đủ chi, các món của quán đều là ăn nhậu và ăn chơi nên ít người mua. Nếu quán hoạt động thì chủ nhà sẽ thu tiền mặt bằng, chưa kể tiền điện nước, trả lương cho nhân viên”, chị cho hay.
Theo đó, tình hình chung hiện nay dù shipper giao hàng liên quận nhưng kèm điều kiện như phải xét nghiệm 2 ngày/lần khiến nhiều shipper vẫn chưa dám nhận đơn hàng trở lại. Do khan hiếm người làm nên phí shipper vẫn cao ngất ngưởng.