Hiện tình trạng kẹt cứng container hàng hóa nông sản tại các cửa khẩu ở tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh vẫn chưa được tháo gỡ. Hàng ngàn xe trái cây, thủy sản…vẫn nằm chờ thông quan để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, hiện một số chủ hàng đã phải cho xe quay đầu, dỡ bỏ nông sản xuống bán đổ bán tháo vì thời gian chờ đã quá lâu, hàng hóa dần hư hỏng có nguy cơ đổ bỏ cao. Với tình hình này cũng không thể xuất hàng sang Trung Quốc.
Trong khi đó, số lượng nông sản tại các nhà vườn chờ thu hoạch còn rất lớn lại có nguy cơ tắc đường sang Trung Quốc. Các chủ vườn đồng loạt hướng đến thị trường nội địa, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán.
Khảo sát trên thị trường, hiện nhiều loại trái cây đổ bộ chợ Việt như xoài keo, xoài hạt lép giá chỉ 6.000-8.000 tuỳ loại, thanh long ruột đỏ có giá 12.000 đồng/kg...
Được biết, Trung Quốc là khách hàng lớn thứ hai trong việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Giai đoạn cuối năm là thời điểm vào vụ chính của hầu hết các loại nông sản, việc Trung Quốc siết chặt giao thương hàng hóa đã khiến nông dân, các doanh nghiệp Việt chao đảo.
Theo tìm hiểu, chỉ riêng tháng 12/2021, sản lượng trái cây đạt hơn 700.000 tấn, trong đó thanh long có sản lượng cao nhất, đạt 200.000 tấn.
Với sản lượng trái lớn cho thu hoạch đúng vào vụ Tết, tránh tình trạng ùn ứ, giá giảm tại các cửa khẩu như hiện nay. Giải pháp trước mắt là cần đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.
Theo khảo sát, hiện các tỉnh đã chuẩn bị nhiều loại hoa quả như xoài, quýt, nhãn, mít, chanh cho dịp Tết. Các mặt hàng rau, củ, trà, hoa quả sấy với sản lượng nghìn tấn cũng được chuẩn bị phục vụ nhu cầu người dân dịp lễ quan trọng sắp đến.
Sở NN-PTNT các tỉnh bắt đầu chào bán nhiều mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh ra các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội…Hệ thống siêu thị cũng ưu tiên chọn mua các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi, hàng đặc sản thiết thực cho nhu cầu cuộc sống.
Nhu cầu thực phẩm dịp Tết trung bình tăng từ 15-20% tùy từng sản phẩm, đây sẽ là cơ hội để tiêu thụ số lượng lớn nông sản còn đang tồn đọng, tránh tình trạng ùn ứ giá giảm.