Cơm cháy có lẽ không còn xa lạ với nhiều quốc gia gắn với nền văn minh lúa nước, gần như mỗi quốc gia châu Á đều có cho riêng mình một đặc sản “cơm cháy” khác nhau. Ở Việt Nam có cơm cháy kho quẹt, Singapore có cơm niêu, Nhật Bản có những nắm cơm cháy Okoge thì Hàn Quốc có cơm cháy Nurungji. Nurungji được tạo ra từ những lớp cơm mỏng cháy vàng được nấu từ nồi gang hoặc nồi đá, cũng có khi từ lớp cơm cháy thừa trong món Bibimbap, thay vì bỏ đi, người Hàn đã tận dụng nó để ăn sáng. Sau này các công ty Hàn Quốc đã sản xuất cơm cháy thành một thứ bim bim ăn vặt được yêu thích.
Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp hiện đại, sự ra đời của những nồi cơm điện nhanh và tiện khiến người ta dần quên đi cách nấu một nồi cơm truyền thống và cũng mất đi niềm vui khi vét lớp cơm cháy còn lại trong đáy nồi. Tuy vậy, người Hàn Quốc vẫn yêu thích món trà cơm cháy hay xúp cơm gạo cháy Sungnyung bởi thức uống này có nhiều lợi ích cho sức khoẻ, giúp hỗ trợ tiêu hoá, giữ sạch răng miệng. Người Hàn uống trà Sungnyung sau bữa ăn, hoặc nấu thành xúp Sungnyung để ăn những khi nhạt miệng khó ở. Súp Sungnyung chỉ là quá trình nấu cơm cháy với nước cho nhuyễn và sánh hơn thay vì đổ nước sôi vào lớp cơm cháy để tạo thành trà, có thể được thêm chút dầu mè hoặc rắc chút rong biển khô, được dọn kèm cùng một chút kim chi và thưởng thức nóng.
Trong những ngày ăn chay hoặc cả thấy đầy bụng, người Hàn Quốc thường nấu cơm bằng nồi gang rồi để lại một lớp cháy mỏng để nấu Sungnyung. Tuy chỉ là một thức uống đơn giản, có mùi vị bùi bùi giống như hạt dẻ rang hơi cháy nhưng Sungnyung đối với mình là sự trở về của những ký ức bé thơ. Những tối mùa đông lạnh, vét lớp cơm cháy trong nồi gang ngồi nhâm nhi xem phim, sao mà ngon đến thế…
Cơm cháy từ đáy nồi được ép mỏng, khi thấy hơi vàng thì vẩy nước vào xung quanh thành nồi, cơm sẽ bong ra dễ dàng.
Trà Sungnyung thì chỉ đơn giản là đổ nước sôi hoặc sử dụng trà lúa mạch đổ vào lớp cơm cháy còn thừa lại, đợi cơm cháy ngấm tạo thành trà màu nâu nhẹ, có mùi vị bùi như trà gạo lứt.