Cơ thể bạn được nâng đỡ từ bao nhiêu chiếc xương?

Chắc hẳn bạn đã biết, bộ xương của chúng ta được cấu thành từ 206 mảnh xương lớn, nhỏ khác nhau. Vậy tại sao lại là 206 và nếu như không có khung xương, cơ thể chúng ta sẽ như thế nào, vai trò của khung xương đối với cơ thể ra sao. Cùng Food News tìm hiểu ngay nhé.   

Cấu trúc xương trong cơ thể

Trước tiên, cấu tạo của xương sọ gồm: hộp sọ, xương mặt, xương tai. Hệ thống xương đối xứng gồm: xương sườn và xương tứ chi giúp duy trì trạng thái cân bằng, giúp các hoạt động diễn ra thuận lợi, dễ dàng hơn. Cuối cùng, tất cả đều được giữ trên đôi bàn chân, bạn đừng quá lo lắng cho sức nặng đè lên chân - nơi mà bạn nhìn thoáng qua có vẻ rất ít xương bởi khung xương trên cơ thể được sắp xếp ngăn nắp và hoàn hảo để thực hiện các hoạt động thuận tiện, tiết kiệm năng lượng. Hiện tại, xương ở tay và chân chiếm đến hơn 1 nửa tổng số xương toàn bộ cơ thể. 

Vai trò của xương trong cơ thể

Xương chính là nơi nâng đỡ và là nơi các cơ bám giữ, bảo vệ các cơ quan nội tạng cho cơ thể. Có thể hiểu rằng, xương có 4 chức năng chính như sau:

Vận động: Cơ thể vận động được là nhờ có xương, khớp, cơ. Xương là nơi các cơ bám vào, khi cơ co hay duỗi sẽ làm cho xương chuyển động, hoạt động của xương và khớp giống như một hệ thống đòn bẩy. Xương là đòn bẩy, khớp là điểm tựa, cơ là lực phát động. 

Nâng đỡ: Bộ xương là bộ phận rắn tạo thành bộ khung nâng đỡ cơ thể, là chỗ dựa cho các cơ quan.

Bảo vệ: Che chở và bảo vệ những cơ quan quan trọng nhất của cơ thể như: hộp sọ bảo vệ não, cột sống bảo vệ tủy sống, lồng ngực bảo vệ tim phổi,...

Tạo máu: Tủy xương nằm trong ống tủy là nơi sản sinh ra hồng cầu và các dạng bạch cầu có hạt.

Trong xương không có dây thần kinh nhưng toàn bộ hệ thống khung xương đều “đính kèm” các cơ quan có vai trò hỗ trợ điều khiển. Cụ thể: sụn là mô liên kết mềm dẻo và đàn hồi, xuất hiện ở đầu các xương với nhiệm vụ hỗ trợ xương di chuyển mà không gây cọ sát các xương vào nhau. Khi sụn mòn đi dẫn đến viêm khớp, thoái hóa khớp gây đau đớn. 

Khớp xương là nơi từ hai hoặc nhiều xương trong cơ thể kết nối lại với nhau. Khớp gồm 3 loại chính: các khớp bất động, khớp cử động một phần, khớp chuyển động. Dây chằng là các dải mô bao quanh khớp xương và liên kết chúng. Gân là các sợi đàn hồi kết nối cơ và xương tạo ra các hoạt động của cơ thể. 

“Sức mạnh” của xương đối với việc nâng đỡ cơ thể

Thực tế, xương của con người khá cứng, với cùng 1 diện tích, xương của chúng ta đã được chứng minh là cứng gấp 4 lần bê tông. Xương đùi có khả năng chịu sức nặng từ 800 – 1200kg, tương đương 1 chiếc xe hơi…Thật là kỳ diệu phải không nào? Tức là với trọng lượng của người béo nhất thế giới lên tới 500kg, bộ xương của anh ta hoàn toàn có thể chịu đựng được. Tuy nhiên, béo phì làm tăng lượng lipid trong máu và điều này làm kích thích quá trình hủy xương, tức là xương sẽ bị “lão hóa” ở mức cao hơn bình thường rất nhiều.

Với 206 chiếc xương trong cơ thể, nhất định phải nói rằng tất cả chúng đều có tầm quan trọng ngang nhau. Việc sở hữu một bộ xương chắc khỏe không chỉ có ý nghĩa trong việc giúp chúng ta thoải mái thực hiện các hoạt động vận động hàng ngày mà còn giúp bảo vệ mọi sự vận hành khác trong cơ thể. Do đó, ngoài việc bổ sung dinh dưỡng, chăm sóc vẻ bề ngoài, đừng quên thiết lập những thói quen tốt có lợi cho các khớp xương của bạn nữa nhé.

Đánh giá:  
 Chưa có bình chọn nào

Ẩm thực

Nổi bật