Trước tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương đã khiến cho việc tiêu thụ nông sản bằng hình thức truyền thống bị ảnh hưởng nặng nề.
Để giảm bớt thiệt hại, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã nhanh nhạy đưa nhiều sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và bước đầu đem lại những hiệu quả tích cực.
Tại HTX Chăn nuôi bò sữa Tam Đảo (huyện Tam Đảo), đến nay HTX này đã đưa 3 sản phẩm lên sàn thương mại voso.vn của Viettel Post gồm: Sữa chua, sữa chua nếp cẩm và bánh sữa đặc biệt. Nhờ đó, việc tiêu thụ sản phẩm của đơn vị cũng được cải thiện.
Với đặc điểm các sản phẩm đều cần phải bảo quản lạnh nên HTX Chăn nuôi bò sữa Tam Đảo đang có hướng hợp tác với một công ty sữa để sản xuất sữa chua ép vỉ và sữa tiệt trùng nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Cũng lựa chọn kênh bán hàng qua sàn thương mại voso.vn, HTX Rau an toàn Vĩnh Phúc (huyện Tam Dương) đã lựa chọn 2 sản phẩm bí đao chanh siêu ngọt và mướp hương 7 lá lên sàn thương mại voso.vn của Viettel Post ngay từ những ngày đầu tháng 7/2021.
Cả 2 sản phẩm này đều có thể để được thời gian khoảng 1 tuần nên khi vận chuyển đến tay khách hàng vẫn đảm bảo chất lượng. Nhờ đó, việc tiêu thụ các sản phẩm của HTX diễn ra thuận lợi, nhanh chóng.
Không chỉ riêng 2 đơn vị này, mà trên toàn tỉnh Vĩnh Phúc còn có Công ty Cổ phần Ong Tam Đảo; Công ty TNHH Trà hoa vàng; Hợp tác xã sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm sạch Thủy Phương cũng đã đưa các sản phẩm đơn vị mình lên sàn thương mại điện tử voso.vn để kết nối, tiêu thụ trong thời điểm dịch bệnh này.
Ông Vũ Thương Tín, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Bưu chính Viettel Vĩnh Phúc (Viettel Post) cho biết, đến nay, Viettel Post đã phối hợp với nhiều doanh nghiệp, cá nhân đưa hơn 300 gian hàng lên sàn, trong đó có hơn 100 gian hàng là nông sản như: Thanh long ruột đỏ, cá thính Lập Thạch, na dai Bồ Lý, sữa chua Tam Đảo…
Với sự kết hợp giữa người dân, doanh nghiệp và đơn vị Bưu chính, đến nay mỗi tháng Viettel Post chốt khoảng 5.000 đơn hàng trên địa bàn tỉnh giúp mỗi gian hàng tăng thu đáng kể.
Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc cho biết, hiện Sở đang phối hợp chặt chẽ với Sở TT-TT, Sở Công thương đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp đưa những sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, được chứng nhận OCOP lên sàn thương mại điện tử.
Việc tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử không chỉ là giải pháp cấp bách giữa mùa dịch mà đây cũng có thể là kênh bán hàng lâu dài cho người dân và doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc cũng như các địa phương trên cả nước.
Tuy nhiên, nông sản khi đưa lên sàn cần phải được kiểm tra kỹ lưỡng, đạt các tiêu chuẩn chất lượng khi đến tay khách hàng thì mới có thể nâng cao thương hiệu của mỗi cá nhân, doanh nghiệp.