Phó Thủ tướng yêu cầu ban hành quy chuẩn về Etylen oxit sau vụ mì Hảo Hảo

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 6382/VPCP-KGVX ngày 12/9/2021 gửi các bộ, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sau vụ việc mì Hảo Hảo và miến Good bị thu hồi tại một số nước châu Âu.

Xét báo cáo của Bộ Công Thương về kết quả kiểm tra, xác minh thông tin sản phẩm mì ăn liền Hảo Hảo của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam nhiễm chất Etylen Oxit và bị thu hồi tại một số nước châu Âu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Y tế căn cứ quy định tại Điều 62 Luật an toàn thực phẩm, khẩn trương rà soát, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chỉ tiêu và mức giới hạn chất Etylen oxit bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm; chủ trì, phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương rà soát, cập nhật và thông tin rộng rãi về yêu cầu, mức giới hạn các chất hạn chế sử dụng, chất cấm... trong sản phẩm thực phẩm phù hợp với yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Bộ Công Thương tiếp tục kiểm tra làm rõ nguyên nhân sản phẩm mì Hảo Hảo của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam nhiễm chất Etylen oxit để có giải pháp xử lý phù hợp, tránh để xảy ra các trường hợp tương tự.

Trước đó, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay, Việt Nam chưa ban hành quy định cho phép, cấm sử dụng Etylen oxit trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng Etylen oxit trong thực phẩm.

Trong khi đó, việc quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với từng loại thực phẩm mà mỗi quốc gia, khu vực đơn phương đưa ra khác nhau và phụ thuộc rất lớn vào cán cân thương mại giữa các quốc gia/khu vực hoặc chính sách xuất nhập khẩu mỗi nước, điều kiện kỹ thuật, phương thức quản lý, thói quen tiêu dùng…

“Vì vậy trong trường hợp này, mức giới hạn dư lượng Etylen oxit cho phép đối với cùng một mặt hàng thực phẩm có thể đáp ứng quy định của quốc gia, khu vực này nhưng lại vượt ngưỡng cho phép của quốc gia, khu vực khác. Đây là một yếu tố các doanh nghiệp cần nghiên cứu, thường xuyên cập nhật thông tin để kiểm soát tiêu chuẩn sản phẩm do mình sản xuất trước khi xuất khẩu”, Vụ Khoa học và Công nghệ cho hay.

Trước đó, mỳ ăn liền Hảo Hảo và miến Good của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam bị cảnh báo và thu hồi tại một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) do nhiễm chất ethylene oxide (EO) vượt ngưỡng quy định, Bộ Công thương đã vào cuộc xác minh, kiểm tra và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào ngày 6/9. 

Về nguyên nhân xuất hiện chất 2-CE trong sản phẩm, theo Acecook Việt Nam, bước đầu xác minh đã có nhà cung cấp sử dụng Ethylene Oxide để khử khuẩn trong một số nguyên liệu. 

Đến chiều nay (12/9) Acecook Việt Nam đã gửi thông cáo chính thức khẳng định: "Mì ăn liền Hảo Hảo tôm chua cay nội địa không chứa chất gây ung thư Ethylene oxide)

Theo Acecook Việt Nam, ngay sau khi nhận được thông tin về việc hai lô sản phẩm xuất khẩu của tại Liên minh Châu Âu (EU) bị thu hồi, công ty đã tiến hành xác minh và làm rõ thông tin, cũng như tiến hành rà soát toàn bộ quy trình sản xuất, và gửi đi thử nghiệm một số mẫu sản phẩm nội địa tại Trung tâm phân tích Eurofins (tập đoàn khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thử nghiệm thực phẩm, có mạng lưới hơn 1.000 công ty độc lập tại hơn 50 quốc gia và vận hành hơn 900 phòng thí nghiệm.)

Theo kết quả thử nghiệm của Trung tâm phân tích Eurofins thì sản phẩm Hảo Hảo tôm chua cay nội địa không có chất EO và có sự hiện diện của một lượng rất nhỏ 2-chloroethanol (2-CE) với hàm lượng 1,17 ppm.

Acecook Việt Nam cho biết, sản phẩm Hảo Hảo tôm chua cay nội địa có chất lượng đảm bảo và hoàn toàn tuân thủ đúng quy định pháp luật Việt Nam. Đồng thời, hàm lượng 2-CE này có giá trị thấp hơn rất nhiều lần so với tiêu chuẩn của Mỹ (940 ppm), Canada (940 ppm) và một số quốc gia khác.

Đánh giá:  
 Chưa có bình chọn nào

Ẩm thực

Nổi bật