Những ngày gần đây, việc đi chợ mua sắm đồ ăn, vật dụng cho gia đình trở thành nỗi trăn trở của nhiều chị em nội trợ khi giá hàng hóa đồng loạt tăng cao, nhất là giá rau xanh trước những tác động khi xăng tăng giá .
Chị T.A ở Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội) là “tay hòm chìa khoá” chi tiêu chợ búa cho gia đình. Nhưng hiện nay việc đi chợ trở thành nỗi ám ảnh của chị.
Theo đó, hầu hết các mặt hàng từ rau củ quả đến thịt đều tăng giá. Chủ hàng giải thích “giá xăng tăng, giá cước vận chuyển tăng, nên hàng hóa cũng tăng” chị T.A chia sẻ.
Theo ghi nhận tại các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội, một mớ rau cải cúc bé trước chỉ 3.000 đồng/mớ thì giờ 10.000 đồng/mớ. Rau muống mớ to vọt lên 25.000 đồng, mồng tơi 15.000 đồng/mớ hay cây bắp cải 2kg cũng hết 55.000 đồng.
Thế nhưng, không chỉ rau xanh mà giá cá, thịt, trứng cũng điều chỉnh tăng. Đáng nói, thịt lợn hơi xuất chuồng tại các trại đầu mối ngày càng giảm, nhưng giá thịt lợn tại chợ vẫn tăng cao.
Bên cạnh đó, các khoản chi phí khác cho gia đình như tiền xăng, gas, tiền gạo, gia vị cũng đồng loạt tăng cao theo giá xăng. Nếu tính tất cả các khoản chi phí sinh hoạt có thể thấy mỗi gia đình đang phải tốn thêm từ 3 triệu – 5 triệu cho một tháng.
Theo ghi nhận, tại một số chợ truyền thống ở khu vực Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng,... giá các mặt hàng từ thực phẩm tươi đến thực phẩm khô đều được điều chỉnh tăng mạnh.
Đơn cử, giá thịt lợn ba chỉ, chân giò lọc xương, nạc vai giòn, sườn thăn tăng lên mức 130.000-140.000 đồng/kg, móng giò 80.000-85.000 đồng/kg, thịt bò dao động từ 270.000-350.000 đồng/kg…
Theo các đầu mối bán hàng, tất cả các mặt hàng đều phải điều chỉnh tăng giá vì khi giá xăng tăng mạnh vào chiều ngày 11/3, các đầu mối bỏ sỉ hàng liền thông báo cước vận chuyển tăng.
Một số xe vận chuyển từ miền Tây ra Hà Nội, đi xe thường (không phải xe lạnh) trước phí chỉ 2.500 đồng/kg, nay tăng lên 3.500 đồng/kg khiến người bán hàng lẫn người dân đều gặp khó khăn trong mua sắm.
Nhiều tiểu thương tại chợ cũng lo ngại, giá cả tăng vọt, thu nhập không tăng, người dân thắt chặt chi tiêu thành ra hàng hoá ế ẩm hơn rất nhiều.