Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận gần 9.000 ca tử vong do COVID-19

Tính đến 6h ngày 10/9, Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu thế giới về số ca nhiễm Covid-19 với trên 145.000 ca, tiếp đến là Anh 38.013 ca và Ấn Độ 34.310 ca. Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.769 ca), Nga (794 ca) và Brazil (716 ca).

Mỹ chính thức công bố kế hoạch mới để ngăn chặn đại dịch 

Như đã thông báo trước đó từ Nhà Trắng, ngày 9/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu về kế hoạch bao gồm 6 mũi nhọn để ngăn sự lây lan của đại dịch COVID-19 và thúc đẩy chương trình tiêm chủng trên toàn quốc.

Bài phát biểu được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới và số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ đang tăng trở lại, và vẫn luôn đứng đầu thế giới. Đáng chú ý, kế hoạch này bao gồm một sắc lệnh yêu cầu toàn bộ các nhân viên liên bang và các nhà thầu của chính phủ phải tiêm chủng, hoặc phải xét nghiệm COVID-19 thường xuyên cũng như chịu một số hạn chế khác như bắt buộc phải đeo khẩu trang tại nơi làm việc. 

Trước đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki khẳng định kế hoạch này nhằm thúc đẩy người dân tiêm chủng, bảo vệ những người đã tiêm và giúp trường học duy trì việc mở cửa, cũng như bảo vệ nền kinh tế đang trên đà phục hồi. 

Tại buổi phát biểu ngày 10/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ trích gay gắt và nói đã sắp hết kiên nhẫn với với 80 triệu người Mỹ vẫn chưa tiêm vaccine Covid-19. 

“Đây không phải là vấn đề về tự do hay lựa chọn cá nhân. Đây là để bảo vệ bản thân và những người xung quanh. Những người làm việc cùng, người chúng ta yêu thương. Nhiệm vụ của tôi là bảo vệ tất cả người Mỹ”, ông Biden phát biểu tại Nhà Trắng, theo Daily Mail. “Chúng ta đã kiên nhẫn nhưng sự kiên nhẫn đó ngày càng ít đi. Những người quyết từ chối tiêm vaccine sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Vậy nên hãy làm điều đúng đắn”, ông Biden nói.

Cho đến nay, mới chỉ có hơn 53% dân số Mỹ được tiêm chủng đầy đủ, tức khoảng 2/3 số người trưởng thành, trong khi nước này hiện ghi nhận hàng trăm nghìn ca mắc mới mỗi ngày. Tính đến nay, đã có hơn 673 nghìn người Mỹ tử vong vì COVID-19.

Làn sóng dịch thứ tư có nguy cơ bùng phát ở Đức

Bộ trưởng Bộ Y tế Đức Jens Spahn và Chủ tịch Viện Robert Koch (RKI) Lothar Wieler đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ở Đức có dấu hiệu gia tăng trở lại và làn sóng dịch thứ tư được cảnh báo có thể bùng phát mạnh trong tháng 9 hoặc tháng 10 tới. 

Theo RKI, số ca mắc COVID-19 trong ngày ở mức 13.565 ca, nhưng vẫn cao hơn một chút so với tuần trước đó. Mặc dù tỷ lệ mắc COVID-19 trong 7 ngày tính trên 100.000 dân đã giảm từ 83,8 ca xuống 82,7 trong ngày 8/9, song con số trên lại cao hơn so với mức một tuần trước đó. Người đứng đầu RKI Wieler khẳng định số ca mắc mới theo ngày có giảm nhẹ, song ông cho biết vẫn cần phải theo dõi số liệu này trong một thời gian dài.

Phát biểu tại một cuộc họp báo chung ngày 8/9 tại Berlin, người đứng đầu ngành y tế Đức cho biết số người chưa được tiêm chủng ở Đức vẫn còn quá cao. Ông cảnh báo: "Nếu chúng ta không tăng mạnh tỷ lệ tiêm chủng, làn sóng dịch thứ tư có thể bùng phát mạnh vào mùa Thu và mùa Đông này". Ông Spahn cho biết tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 chưa được tiêm chủng tại các khoa chăm sóc đặc biệt đã chiếm tới hơn 90% số ca mắc mới. Theo số liệu thống kê mới nhất của RKI, tính đến ngày 8/9, gần 51,3 triệu người ở Đức đã được tiêm chủng đầy đủ, nâng tỷ lệ tiêm phòng dịch tại nước này lên 61,7%, trong đó khoảng 55 triệu người đã được tiêm ít nhất một mũi.

Bộ trưởng Y tế Spahn khẳng định để thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng đang chững lại ở Đức, chính phủ đang lên kế hoạch triển khai Tuần lễ Hành động tiêm chủng trên toàn quốc kể từ ngày 13/9 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những người đến tiêm mà không cần đăng ký trước cũng như bỏ bớt các thủ tục phiền nhiễu tại nhiều nơi trong cả nước.

Nhật Bản kéo dài tình trạng khẩn cấp ở Tokyo và nhiều tỉnh khác

Trước diễn biến dịch bệnh còn nhiều phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm đáng kể số ca nhiễm Covid-19,chính quyền đất nước này đã ban hành quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp ở 19 địa phương trong đó có Tokyo, Osaka đến ngày 30/9. Trong khi đó, 6 tỉnh gồm Toyama, Yamanashi, Ehime, Kochi, Saga, Nagasaki sẽ được dỡ bỏ và trở lại trạng thái bình thường.

Australia sẽ bước vào "trật tự thế giới mới" sau khi kết thúc phong toả 

Cụ thể, sau khi Thủ hiến bang New South Wales Gladys Berejiklian tiết lộ kế hoạch dỡ bỏ lệnh phong toả ở TP Sydney, bác sĩ Kerry Chant - Giám đốc Cơ quan y tế bang New South Wales nói rằng họ sẽ đề ra yêu cầu về vắc-xin Covid-19 đối với nhân viên các doanh nghiệp và khách hàng. Bác sĩ Chant còn tuyên bố nhà chức trách sẽ "theo dõi các trường hợp tiếp xúc" giống như trong "trật tự thế giới mới" sau khi địa phương này đạt mục tiêu tiêm chủng đủ liều cho 70% cư dân.

Một khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, các cơ quan y tế vẫn có thể hạn chế người dân di chuyển để đảm bảo không có sự gia tăng đột biến nào trong số ca mắc có thể làm tăng áp lực lên hệ thống y tế

Indonesia ngăn chặn việc tiêm liều tăng cường một cách tự phát

Ngày 9/9, Bộ Y tế Indonesia đã yêu cầu chính quyền các địa phương áp dụng các hình phạt đối với những người bị phát hiện tự ý tiêm liều thứ ba vaccine COVID-19.

Người phát ngôn Bộ Y tế Siti Nadia Tarmizi cho biết tất cả các hình thức giám sát liên quan đến quá trình tiêm chủng - cả liều một, liều hai và liều tăng cường - đều thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, huyện/thành phố. Nếu phát hiện vi phạm, chính quyền địa phương có thể cùng cơ quan pháp luật áp các chế tài.

Bà Nadia khẳng định rằng theo các quy định hiện hành, chương trình tiêm chủng nhắc lại hiện mới chỉ dành cho các nhân viên y tế và các nhân viên hỗ trợ làm việc tại các cơ sở chăm sóc y tế. 

Theo Bộ Y tế Indonesia, kể từ khi khởi động ngày 14/7 đến ngày 8/9, 741.907 trong tổng số 1.468.764 nhân viên y tế đã được tiêm tăng cường mũi ba bằng vaccine Moderna, đạt 50,51% mục tiêu đề ra.

Trong bối cảnh nhiều nước xúc tiến tiêm mũi vaccine COVID-19 tăng cường, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 8/9 đã kêu gọi các nước tiếp tục tạm ngừng triển khai tiêm liều tăng cường vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu, nhằm tạo điều kiện cho mọi quốc gia tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số.

Đánh giá:  
 Chưa có bình chọn nào

Ẩm thực

Nổi bật