Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 496.228 trường hợp mắc COVID-19 và 8.697 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 228 triệu ca, trong đó gần 4,7 triệu người không qua khỏi.
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 18/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 228.296.573 ca, trong đó có 4.692.822 người tử vong.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh trong ngày đang có dấu hiệu chững lại trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong cũng có xu thế giảm.
Nhiều nước Á-Âu tình hình vẫn đáng ngại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Mỹ, Ấn Độ, Iran, Anh và Brazil số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động. Mỹ lại quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới với trên 100.000 ca, trong khi số ca tử vong cũng dẫn đầu với trên 1.000 trường hợp.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với 42.742.305 ca mắc và 690.180 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 33 triệu ca mắc và trên 444.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 21 triệu ca bệnh, trong đó trên 589.000 ca tử vong.
Brazil lật ngược tình thế nhờ vaccine
Mặc dù khởi động chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 khá muộn (tháng 1/2021) nhưng Brazil với dân số 213 triệu người lại đang là một trong những nơi có tốc độ tiêm chủng nhanh nhất trên thế giới.
Brazil là quốc gia có số người tử vong vì COVID-19 cao thứ hai thế giới, tính đến nay là 588.000 trường hợp. Nhưng khi tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 tăng, thêm nhiều lô vaccine được nhập khẩu và việc sản xuất vaccine trong nước đã khởi động thì tỷ lệ tử vong vì COVID-19 tại Brazil cũng giảm. Brazil hiện tự sản xuất vaccine AstraZeneca và Sinovac dựa trên việc được cấp phép.
Trong 3 tháng qua, số công dân Brazil tiêm tối thiểu 1 liều vaccine COVID-19 đã tăng gấp ba lần và đạt mức 67,6% dân số, nhỉnh hơn Mỹ đang ghi nhận mức 63,4% và Argentina 63,8%. Ban đầu, khi nguồn cung vaccine COVID-19 chưa chắc chắn, Brazil quyết định tập trung vào việc tiêm liều đầu tiên cho nhiều người dân nhất có thể và áp dụng khoảng cách dài giữa hai liều.
Mặc dù số người tiêm đủ 2 liều vaccine tại Brazil mới chỉ là 36% nhưng đã đủ để đưa nước này đứng thứ 3 trong nhóm 10 nước đông dân nhất trên thế giới về tỷ lệ dân số đã tiêm đủ liều vaccie COVID-19.
Brazil là nước đứng thứ 4 thế giới về số vaccine COVID-19 đã tiêm cho người dân với tổng cộng 214 triệu liều, đứng sau Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ.
Ấn Độ lập kỷ lục tiêm vaccine
Ngày 17/9, Ấn Độ đã lập kỷ lục mới với việc tiêm hơn 20 triệu mũi vaccine phòng COVID-19 trong một ngày.
Đây là một bước tiến quan trọng cho chương trình chủng ngừa COVID-19 của nước này nhân dịp sinh nhật của Thủ tướng Narendra Modi (17/9/1950).
Theo dữ liệu trên cổng Co-WIN, nền tảng để triển khai chương trình tiêm chủng COVID-19 của Ấn Độ, tính đến 19h (giờ địa phương) ngày 17/9, nước này đã tiêm tổng cộng 22,17 triệu mũi. Con số vẫn đang tiếp tục tăng lên cho đến cuối ngày và rất có thể sẽ đạt mốc 25 triệu mũi.
Hiện Ấn Độ đã tiêm tổng cộng khoảng 787 triệu mũi vaccine kể từ khi khởi động chiến dịch tiêm chủng hồi tháng 1, trong đó có 190 triệu mũi hai. Như vậy, đây là lần thứ 4 Ấn Độ tiêm hơn 10 triệu mũi vaccine/ngày chỉ trong vòng chưa đầy một tháng
Nhật Bản cũng đạt được thành tựu trong chiến dịch tiêm chủng
Gần đây, Nhật bản đạt dấu mốc tiêm ít nhất một mũi vaccine cho 63,6% dân số, vượt Mỹ dù khởi động chiến dịch tiêm chủng chậm hơn nhiều tháng. Theo số liệu do chính phủ Nhật Bản công bố, nước này đã tiêm 145,8 triệu mũi vaccine, hơn 51% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Tỉ lệ người Nhật tiêm ít nhất một mũi vaccine là 63,8%, vượt Mỹ.
Chiến dịch tiêm chủng của Nhật Bản khởi đầu muộn và chậm hơn so với các quốc gia thuộc nhóm phát triển. Nhưng tốc độ tiêm chủng tăng mạnh vào mùa hè. Trong những ngày giữa tháng 6, Nhật Bản đạt tốc độ tiêm chủng hơn 1 triệu liều/ngày và giữ tốc độ này kể từ khi đối phó biến thể Delta lây lan nhanh.
Nhật Bản cũng tập trung tiêm vaccine cho nhóm người già, những người dễ bị tổn thương vì Covid-19. Gần 90% trong số nhóm người trên 65 tuổi đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine ở Nhật. Đồng thời cũng đẩy mạnh tiêm chủng cho nhóm người trẻ, nhóm người gần đây có tỉ lệ nhiễm Covid-19 tăng cao. Vì Nhật Bản vẫn đang tiêm chủng với mức độ rất nhanh chóng, hiện chưa rõ có bao nhiêu % người dân chần chừ tiêm vaccine.
Nhật Bản đặt mục tiêu tiêm chủng cho tất cả những người đủ điều kiện vào tháng 11 tới, tương đương khoảng 80% dân số. Taro Kono, Bộ trưởng phụ trách chiến dịch tiêm chủng ở Nhật Bản, tuyên bố nước này sẽ là quốc gia xếp hàng đầu nhóm G7 về tỉ lệ tiêm vaccine trong tháng 10 tới. Ông Kono hiện là ứng viên hàng đầu tranh cử chức Thủ tướng.
Làn sóng dịch bệnh mới ở Trung Quốc đang diễn biến phức tạp
Trung Quốc ghi nhận thêm 61 ca nhiễm mới ở tỉnh Phúc Kiến, mức tăng cao nhất kể từ khi biến thể Delta quay trở lại trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm lên 270. Giới chức y tế Trung Quốc ngày 17/9 thông báo ghi nhận thêm 31 ca Covid-19 ở thành phố Hạ Môn, 28 ca ở Phủ Điền và một ca ở Tuyền Châu. Ổ dịch lây lan sang thành phố Thương Châu, gần Hạ Môn, với một ca nhiễm.
Hôm 16/9, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc khuyến cáo người dân trên khắp đất nước nên hạn chế di chuyển không cần thiết trong dịp nghỉ lễ sắp tới, cảnh báo về các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được áp dụng tại điểm đến.
Các điểm thu hút khách du lịch ở Trung Quốc được yêu cầu giới hạn người tụ tập, kiểm soát thân nhiệt và kiểm tra mã sức khỏe nghiêm ngặt.
Giới chức tỉnh Phúc Kiến hiện đối mặt áp lực lớn trong việc kiểm soát ổ dịch. Ước tính khoảng 30.000 người được cho là đã rời thành phố Phủ Điền từ ngày 26.8 – 10.9. Chính quyền địa phương đang truy vết chặt chẽ và yêu cầu xét nghiệm đối với những người rời khỏi ổ dịch trước khi biện pháp hạn chế đi lại có hiệu lực.
6 quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 trong 24h qua
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Philippines, Brunei và Việt Nam. Đông Nam Á vẫn là điểm dịch nóng nhất châu Á.
Ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á tiếp tục là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này tiếp tục cho thấy tín hiệu hiệu hạ nhiệt, khi số ca mắc và tử vong bắt đầu giảm nhanh. Có thể nói Indonesia đã qua đỉnh dịch này và tình hình đang hạ nhiệt nhanh chóng.
Trong khi đó, diễn biến dịch vẫn nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Trong 1 ngày qua, nước này ghi nhận số ca tử vong vẫn ở mức cao và ca mắc mới cao thứ ba khu vực và tăng mạnh trở lại. Trong 24h qua, Philippines chính là quốc gia có số ca mắc và tử vong mới cao nhất khu vực.
Malaysia tình hình dịch bệnh đang ngày càng đáng lo ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua. Nhà chức trách y tế Malaysia không công bố số liệu người tử vong trong 1 ngày qua, số ca mắc mới là trên 17.000 trường hợp.
Thái Lan là điểm nóng dịch mới khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng mạnh trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh, lùi ngày mở cửa du lịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 17/9 ghi nhận thêm trên 14.500 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 171 người, tăng nhẹ so với mức của mấy ngày trước đó.
Campuchia có xu thể tăng trở lại so với mấy ngày trước đây, với 698 bệnh nhân mới và 11 ca tử vong trong một ngày qua. Song Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, Campuchia đang tính nới lỏng giãn cách xã hội.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 249.639 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 924 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng vượt ngưỡng 11,3 triệu ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là trên 10 triệu trường hợp.
Các nước châu Âu dần nới lỏng biện pháp phòng dịch
Hà Lan sẽ yêu cầu chứng nhận tiêm phòng hay kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 nếu muốn vào các quán bar, nhà hàng, bảo tang, rạp hát và dự các sự kiện văn hóa khi gần như tất cả các biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ. Khoảng 72% trong số 17,5 triệu người Hà Lan đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19. Số ca mắc mới đã giảm xuống còn khoảng 2.000 ca/ngày, trong khi khoảng 600 bệnh nhân mắc COVID-19 vẫn đang được điều trị trong bệnh viện.
Tương tự, Thụy Sĩ thông báo những khách du lịch nhập cảnh nước này nếu chưa được tiêm phòng COVID-19 hoặc mới khỏi bệnh sẽ phải có kết quả xét nghiệm âm tính. Biện pháp này sẽ được áp dụng từ ngày 20/9 trong bối cảnh Thụy Sĩ đang nỗ lực ngăn chặn số ca mắc mới gia tăng. Đến nay, Thụy Sĩ ghi nhận tổng cộng 823.074 ca mắc, trong đó 11.010 ca tử vong. Quốc gia này đã tiêm phòng đầy đủ cho hơn 53% dân số.
Ngày 17/9, Anh đã công bố những biện pháp mới liên quan đến du lịch nước ngoài, nhằm khôi phục hơn nữa cuộc sống theo trạng thái bình thường mới sau quãng thời gian dài phải áp dụng nhiều hạn chế bởi dịch bệnh COVID-19.
Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps cho biết sẽ bỏ hệ thống phân loại danh sách các nước "đỏ, xanh, vàng" theo nguy cơ về dịch bệnh COVID-19. Thay vào đó sẽ chỉ có 2 danh sách đơn giản hơn là những điểm đến có "nguy cơ cao" và "nguy cơ thấp". Việc xét nghiệm COVID-19 bắt buộc cũng được hủy bỏ với những khách du lịch đã tiêm phòng đầy đủ, giúp họ giảm bớt chi phí đáng kể này.