Tại sao được Nhật Bản bảo hộ chỉ dẫn, nông dân trồng thanh long Bình Thuận vẫn e dè? 

Việc được Nhật Bản bảo hộ chỉ dẫn địa lý là tín hiệu vui, mở rộng đường cho thanh long Bình Thuận vào những thị trường khó tính trên Thế giới, tuy nhiên người trồng thanh long vẫn e dè với "giấy thông hành" này. 

Ngày 7/10, Nhật Bản đã chính thức cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận – đây được xem là chiếc vé thông hành làm tăng giá trị, đảm bảo đầu ra cho thanh long.  

Nhật Bản là thị trường được coi là khó tính nhất nhì thế giới, khi được Nhật Bản bảo hộ không chỉ giúp thanh long Bình Thuận bán được giá hơn mà việc xuất khẩu sang các nước khác cũng dễ dàng hơn. 

Tấm "giấy thông hành" này khẳng định uy tín, giá trị của trái thanh long Bình Thuận, là một tín hiệu rất tốt cho tương lai. 

Tuy nhiên, tín hiệu vui là vậy nhưng nông dân trồng thanh long Bình Thuận lo chưa đáp ứng được yêu cầu. Bởi thực tế, để vào được thị trường Nhật Bản, bất kỳ loại nông sản nào cũng phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, khắt khe về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Do đó, nông dân trồng thanh long ở "thủ phủ thanh long" huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) dù rất vui mừng nhưng vẫn có tâm lý e dè.

Một số chia sẻ từ người trồng thanh long cho biết: Chủ yếu trên địa bàn là những vườn thanh long lớn tuổi, nên khả năng kháng sâu bệnh thấp, dễ hư hại. Để thanh long vào thị trường Nhật Bản cần đầu tư vốn để chuyên canh sản xuất lại, tuân thủ theo tiêu chuẩn và quy định chuyên môn. 

Trong khi đó nguồn tài chính và nhân lực hiện tại không cho phép người dân đầu tư quá nhiều vào vườn thanh long, nên nhiều hộ dân sợ không theo nổi... 

Huyện Hàm Thuận Nam là nơi trồng thanh long nhiều nhất Bình Thuận, diện tích trồng thanh long khoảng 14.744ha. 

Tổng số lượng thanh long toàn huyện sản xuất khoảng 350.000 tấn/năm. Trong đó, có thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ.

Một đại lý chuyên thu mua thanh long cho bà con nông dân chia sẻ, để thanh long vào được thị trường Nhật Bản cần phải tuân thủ nghiêm từ khi trồng, chăm sóc phân bón, đến khi thu hoạch, đóng gói vận chuyển phải qua một quy trình rất nghiêm ngặt. Nên người trồng thanh long cần phải thay đổi thói quen canh tác, cải thiện kỹ thuật công nghệ vào nuôi trồng nếu không sẽ rất khó đạt được yêu cầu từ Nhật Bản. 

Đại diện tỉnh Bình Thuận cho biết, liên quan đến việc Nhật Bản cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận, sẽ tổ chức vận động bà con sớm chuyển sang thị trường mới, ổn định hơn…Các cơ quan chức năng tỉnh cũng xây dựng bộ tiêu chí cụ thể, để hướng dẫn bà con trồng thanh long áp dụng.

Đánh giá:  
 Chưa có bình chọn nào

Ẩm thực

Nổi bật