Giá ngũ cốc hôm nay trong nước và thế giới biến động cụ thể như sau:
Giá ngũ cốc thế giới hôm nay 1/10
Giá ngũ cốc của Mỹ ngày 1/10 giảm do các nhà giao dịch điều chỉnh giá cả trước khi Chính phủ Mỹ công bố các số liệu quan trọng về dự trữ nông sản.
Trên sàn Chicago, giá ngô giao sau được giao dịch ngày 1/10 giảm 0,1% xuống mức 5,38-1/4 USD/bushel, giá ngô đã tăng 1,2% trong phiên liền kề ngày 29/9.
Giá lúa mì giao sau giảm 0,1% xuống mức 7,09-1/4 USD/bushel, chốt phiên giao dịch ngày 29/9 giá lúa mì tăng 0,5%.
Giá đậu tương ngày 1/10 tăng trở lại từ vùng hỗ trợ 1275 của khoảng đi ngang trước đó.
Giá ngô lấy lại hoàn toàn mức giảm trước đó khi tập đoàn Cargill ở Mỹ dự đoán giá ngô sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Lúa mì dao động do thị trường đang dự đoán sản lượng lúa mì Mỹ 20/21 có thể ở quanh mức 1.68 tỉ giạ, thấp hơn gần 20 triệu giạ so với con số mà USDA đưa ra trong báo cáo Cung – cầu gần nhất. Đây cũng được coi là yếu tố “bullish” đối với giá.
Hiệp hội xuất khẩu ngũ cốc Brazil (ANEC) vừa đưa ra dự báo xuất khẩu đậu tương của nước này trong tháng 9 sẽ đạt 4.73 triệu tấn, cao hơn nhiều mức 3.91 triệu tấn đã xuất khẩu cùng kỳ năm ngoái.
Điều này cho thấy nhu cầu nhập khẩu của các nước vẫn còn mạnh, góp phần vào mức tăng trở lại của giá đậu tương trong phiên hôm qua.
Dữ liệu do Ủy ban châu Âu công bố ngày 28/9 cho biết, xuất khẩu lúa mì mềm từ Liên minh châu Âu trong niên vụ 2021/22 bắt đầu vào tháng 7/2021 đã đạt 6,95 triệu tấn tính đến ngày 26/9/2021, tăng so với mức 5,09 triệu tấn đã đạt được vào cùng thời điểm năm 2020.
Xuất khẩu lúa mì của EU niên vụ 2021/22 đạt 2,37 triệu tấn, tăng so với 2,11 triệu tấn của một năm trước, trong khi nhập khẩu ngô của EU ở mức 3,43 triệu tấn, giảm so với 4,22 triệu tấn đã đạt được năm 2020.
Ngày 29/9, Trung Quốc đặt hạn ngạch thuế quan thấp đối với nhập khẩu lúa mì, ngô và gạo vào năm 2022 với khối lượng tương đương năm 2021.
Theo một thông báo được công bố trên trang web của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, báo giá thuế suất cho nhập khẩu lúa mì năm 2022 là 9,636 triệu tấn. Hạn ngạch nhập khẩu đối với ngô và gạo lần lượt được đặt ở mức 7,2 triệu tấn và 5,32 triệu tấn.
Triển vọng nhu cầu dầu thực vật tăng lên đã hỗ trợ giá dầu đậu tương khi tại Ấn Độ, những cơn mưa lớn do bão Gulab đã gây ra thiệt hại đối với đậu tương vụ hè tại quốc gia này. Sản lượng trong nước sụt giảm có thể sẽ khiến Ấn Độ sẽ phải nhập khẩu nhiều dầu thực vật hơn. Giá khô đậu tương tiếp tục biến động quanh mức 340.
USDA cho biết xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong năm tiếp thị 2020-21 dự kiến sẽ cao kỷ lục, trong khi xuất khẩu lúa mì được dự báo là cao nhất kể từ năm 2014-2015.