Khi bị cha mẹ từ chối hay không thực hiện ước muốn của mình, một số trẻ đồng tình ngoan ngoãn, chấp nhận sự thất vọng khi yêu cầu của mình không được đáp ứng, nhưng một số trẻ khác lại có những phản ứng tiêu cực với cha mẹ chỉ nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu đòi hỏi của bản thân. Điều này khiến cho số đông người lớn cảm thấy rối loạn về mặt cảm xúc và cuối cùng là bị thiếu kiểm soát và mất phương hướng khi phải đối phó với đứa trẻ, gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống gia đình.
Dưới đây là những cách phản ứng tiêu cực thường gặp ở trẻ:
1. Năn nỉ: Đứa trẻ sẽ cứ đi theo bạn và liên tục năn nỉ, làm bạn mềm lòng với những lời lặp đi lặp lại của chúng – mục đích cuối cùng của chúng chính là "Hãy đưa tôi cái tôi muốn, và tôi sẽ im ngay lập tức", đại loại như "đi mà mẹ, đi mà, đi mà, đi mà …" hay "tại sao, tại sao, tại sao?", "lần này thôi!, lần này thôi!, lần này thôi!...".
2. Tức giận: Đứa bé sẽ thể hiện sự tức giận bằng những hình thức khác nhau. Với những trẻ nhỏ chưa biết sử dụng nhiều từ vựng, chúng sẽ lăn ra sàn, đập đầu, la hét hết sức có thể. Với những trẻ lớn hơn, khi ngôn ngữ đã dần hoàn thiện, sẽ cãi vã, buộc tội bạn rằng bạn không công bằng, vô lý, hay trách bạn là một người cha, người mẹ tồi tệ.
3. Đe dọa: Những đứa trẻ bị thất vọng khi không đạt được điều chúng muốn có thể sẽ đe dọa bố mẹ chúng với một số câu đại loại như: "Con sẽ đi khỏi nhà cho ba mẹ xem!", "Con sẽ không nói chuyện với ba mẹ nữa!", "Con đi chết đây!", "Con không ăn tối đâu và cũng sẽ không làm bài tập luôn"…
Thông điệp ở đây khá rõ ràng, sẽ có điều gì đó tồi tệ xảy ra nếu như ông, bà không đưa cái tôi muốn ngay lập tức.
4. Khổ nhục kế: Chiến thuật này là chiến thuật được ưa thích của khá nhiều bạn nhỏ. Khi dùng khổ nhục kế, đứa trẻ có thể chỉ ra rằng mọi thứ thật bất công với chúng: "Không ai thương con cả", "Con chả được cho gì cả" hoặc "Mẹ thích bạn đó hơn con". Một số trẻ thì làm một cái gì đó như một dạng tự trừng phạt bản thân như nhịn không ăn tối, ngồi thu lu một góc trong tủ đồ hàng giờ hoặc nhìn ngoài cửa sổ và im lặng. Việc trẻ khóc, tỏ vẻ mặt buồn rầu hay thút thít cũng là một số công cụ khá hữu hiệu để đứa trẻ có thể điều khiển phụ huynh một cách hiệu quả.
5. Dỗ ngọt: Chiến thuật thứ 5 là một cách tiếp cận hoàn toàn khác của đứa trẻ so với 4 cách trước. Thay vì làm cho bạn cảm thấy khó chịu, chúng sử dụng cách dỗ ngọt để làm chúng ta cảm thấy thoải mái: "Này, mẹ ơi, mẹ thật sự có một đôi mắt đẹp tuyệt trần" hay "Con nghĩ rằng con sẽ đi dọn dẹp phòng của con đây. Phòng con có vẻ khá bừa bộn trong 3 tuần vừa rồi và sau đó con cũng sẽ dọn dẹp chổ để xe nữa", "Mẹ ơi, con sẽ ăn bữa tối và con hứa con sẽ không đòi hỏi đồ ăn vặt nữa".
6. Chiến thuật hành động: Dạng cuối cùng này thật sự là dạng tệ nhất trong 6 loại. Với dạng này, đứa trẻ có thể tấn công phụ huynh, đập phá cái gì đó hay chạy đi khỏi nhà. Chiến thuật này thường xảy ra ở những trẻ nhỏ khi khả năng ngôn ngữ của chúng chưa thật sự tốt, chính vì thế nếu như đứa trẻ đã lớn mà vẫn sử dụng cách này là một điều mà cha mẹ cần lưu ý hơn
Cha mẹ cần khéo léo xử lý thái độ tiêu cực của trẻ
Để khắc phục những hành vi xấu của trẻ, cha mẹ phải thực hiện nhiều cách khác nhau. Nhiều chuyên gia tin rằng chiến lược một tuần có thể giải quyết mọi vấn đề hành vi ở con bạn. Bí quyết là mỗi ngày thực hiện một chiến lược.
Ngày 1: Không phản ứng
Cách giải quyết đúng đắn trước hành vi xấu của trẻ là cha mẹ phải bình tĩnh, thật bình tĩnh. Cha mẹ hãy lờ đi, im lặng, không nên phản ứng gì cả. Ed Christophersen, Tiến sĩ đồng thời là nhà tâm lý học lâm sàng thuộc Bệnh Viện Nhi Đồng tại thành phố Kansas, Missouri giải thích: "Sai lầm mà hầu hết các bậc cha mẹ mắc phải là phản ứng với hành vi sai trái của trẻ. Vì họ cho rằng thà phản ứng tiêu cực còn hơn không làm gì cả".
Nếu trẻ có hành vi không đúng, tốt nhất cha mẹ đừng bộc lộ thái độ đối với chúng. Đừng để trẻ thấy rằng muốn thu hút được sự chú ý của cha mẹ, trẻ phải có những hành động xấu. Để giải quyết chuyện này, một là cha mẹ bình tĩnh giải quyết; Hai là làm ngơ trước hành vi sai trái đó, cho đến khi trẻ bình tĩnh.
Ngày 2: Suy nghĩ tích cực
Thay vì mỗi sáng thức dậy lại đau đầu, chán nản khi nghĩ đến "trận chiến" sắp diễn ra với lũ trẻ, thì cha mẹ nên nuôi dưỡng niềm tin rằng chúng là những đứa trẻ rất ngoan và đáng yêu. Huấn luyện viên gia đình, tác giả cuốn sách Thinking Your Way to Happy, Robin H-C, cho rằng "Nếu cha mẹ cứ nghĩ con mình là một đứa trẻ hư, bướng bỉnh, lì lợm thì sẽ đến một ngày điều đó thành sự thật. Khi bạn dán nhãn cho con, hãy chắc chắn rằng luôn có những điều tốt đẹp ở trong đó".
Ngày 3: Làm gương
Cha mẹ muốn con mình trở thành người như thế nào thì bạn nên là người thế ấy để tạo ảnh hưởng đến hành vi tổng thể của con.
Jayne Bellando - tiến sĩ, nhà tâm lý học nhi khoa thuộc Bệnh viện Nhi Arkansas, Mỹ - chỉ ra tầm quan trọng của việc làm gương. Nói cách khác, nếu cha mẹ muốn con mình thể hiện hành vi tốt và trưởng thành, bạn phải thực hành điều đó trước. Cha mẹ phải là một tấm gương sáng để trẻ học hỏi. Bạn muốn con mình trở thành người như thế nào thì bạn nên là người thế ấy để tạo ảnh hưởng đến hành vi tổng thể của con. Theo thời gian, cha mẹ sẽ thấy rằng "gieo thói quen, gặt hành vi. Gieo hành vi, gặt tính cách".
Ngày 4: Giải thích trước khi trừng phạt
Gary M. Unruh - tác giả của cuốn sách Unleashing the Power of Parental Love - tin rằng "Trẻ em thường có nhiều nguyên nhân khi hành xử như vậy. Đó là lý do tại sao cha mẹ nên lắng nghe và chỉ ra cho trẻ biết trẻ đã sai ở đâu. Hãy để trẻ nhận ra lỗi của mình trước khi chúng bị trừng phạt vì hành vi xấu".
Cha mẹ nên làm rõ và xác nhận lại những gì trẻ nói khi chúng đang cố gắng trình bày nguyên do. Bởi trẻ dễ dàng cảm thấy bị cô lập và đơn độc nếu cha mẹ không lắng nghe đầy đủ hay cố tình áp những suy nghĩ chủ quan của mình lên trẻ. Hãy cho trẻ biết là cha mẹ vẫn yêu con, nhưng con vẫn bị phạt vì hành vi sai trái.
Ngày 5: Hãy kiên định
Cha mẹ cần nhất quán trong cách dạy con, cho trẻ biết rõ sự kỳ vọng của bạn và tự kiềm chế sự bùng nổ cảm xúc của chính mình.
Thông thường, khả năng xử lý sự bộc phát của trẻ phụ thuộc vào tâm trạng của cha mẹ. Tuy nhiên, theo Bertie Bregman, M.D - Trưởng phòng dịch vụ y tế gia đình thuộc bệnh viện Presbyterian, New York, thì: "Cha mẹ cần nhất quán trong cách dạy con, cho trẻ biết rõ sự kỳ vọng của bạn và tự kiềm chế sự bùng nổ cảm xúc của chính mình".
Nếu cha mẹ không muốn hành vi của con mình biến động, thì bạn cũng nên kiên định. Bạn không thể bình tĩnh một ngày, sau đó ngang ngược và không công bằng vào ngày hôm sau. Kiên định là chính là chìa khóa và hãy nhớ cha mẹ luôn là tấm gương cho trẻ soi.
Ngày 6: Nếu cần thiết, có thể thay đổi các quy luật
Nếu những hành vi xấu của trẻ xuất phát từ cùng một nguồn gốc thì các chuyên gia khuyên cha mẹ nên thay đổi quy định. Catherine Hickem, tác giả cuốn sách Regret Free Parenting nói: "Đôi khi mọi chuyện đều được giải quyết dễ dàng bằng cách bạn thay đổi quy luật".
Giả sử trẻ xem ti vi quá nhiều, và bạn muốn chuyện này chấm dứt thì nên đặt giới hạn cho thời gian xem tivi. Ban đầu, trẻ sẽ có những hành vi tiêu cực như hét, la, khóc, giận dỗi, nhưng khi thấy cha mẹ không lay chuyển quyết định thì trẻ sẽ học cách chấp nhận. Điều quan trọng là bạn cần cho trẻ thấy là bạn sẽ không lùi bước dù cho trẻ có làm gì đi chăng nữa.
Ngày 7: Thư giãn
Ngày thứ bảy là ngày mà cha mẹ nhìn lại tất cả những tiến bộ bạn đã đạt được cho đến nay. Dành thời gian dừng lại để xem bản thân và con mình đã đi được bao xa khi đối phó với hành vi xấu của trẻ và của chính bạn. Sau khi suy nghĩ một chút về những thành công và khó khăn trong tuần vừa qua thì cha mẹ hãy thư giãn đi. Rồi từ từ giải quyết những vấn đề còn sót lại. Hãy thực hiện bất kỳ chiến lược nào mà bạn thấy hiệu quả nhất và đừng quên cho các mục tiêu trong tương lai.