Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, riêng tháng 7 lượng điều nhập khẩu từ Campuchia là 79.740 tấn, trị giá gần 135 triệu USD, lũy kế 7 tháng đạt gần 1,1 triệu tấn, kim ngạch hơn 1,83 tỷ USD, trong khi nhập từ thị trường này trong cả năm ngoái chỉ có 216.330 tấn, kim ngạch gần 276 triệu USD.
Mặc dù Việt Nam là nước xuất khẩu nhân điều lớn nhưng do nguồn nguyên liệu trong nước không đủ và chất lượng chưa cao nên nhiều năm nay một số doanh nghiệp phải tiến hành nhập khẩu điều thô. Tuy nhiên, trước dây lượng điều nhập khẩu đều có xuất xứ từ thị trường châu Phi. Nhưng 7 tháng qua, lượng điều từ thị trường này giảm mạnh, trong khi nhập khẩu điều từ Campuchia lại tăng bất thường.
Được biết, hạt điều nhập khẩu từ các nước ASEAN có thuế 0%, trong khi nhập từ thị trường ngoài ASEAN có thuế 5%. Do đó, dấy lên nghi vấn các doanh nghiệp “mượn” đường Campuchia để trốn thuế nhập khẩu của mặt hàng này.
Trước thực trạng này, Tổng cục Hải quan vừa có Công văn số 4108/TCHQ-GSQL gửi Cục Hải quan các tỉnh: Gia Lai-Kon Tum, Đắk Lắk, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang đề nghị tăng cường kiểm tra xuất xứ điều thô nhập khẩu từ Campuchia.
Tổng cục Hải quan giao Cục Hải quan các tỉnh tiến hành lựa chọn ngẫu nhiên khoảng 10% trên tổng số lô hàng nhập khẩu của tháng liền kề trước đó để kiểm tra thực tế hàng hóa. Trường hợp xác định mặt hàng điều thô nhập khẩu đúng khai hải quan, đúng xuất xứ của Campuchia, có các đặc điểm của hạt điều thô xuất xứ Campuchia thì thực hiện thông quan, giải phóng hàng hóa theo quy định.
Qua kiểm tra, nếu phát hiện mặt hàng điều thô nhập khẩu khai có xuất xứ Campuchia, có C/O mẫu D hoặc mẫu S do cơ quan có thẩm quyền của Campuchia phát hành nhưng có những đặc điểm của hạt điều thô Châu phi thì gửi hồ sơ về Tổng cục Hải quan để tiến hành xác minh theo quy định.
Hành vi “mượn” đường Campuchia để trốn thuế nhập khẩu điều cần được xử lý nghiêm để tránh gây ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như người dân trồng điều trong nước.