Sự kiện là dấu mốc quan trọng, khẳng định sự nỗ lực của doanh nghiệp trong việc đóng góp nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia, góp phần phát triển kinh tế các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Nhà máy điện Cà Mau 1&2 được xây dựng trên diện tích 56 ha tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau thuộc cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau. Nhà máy điện Cà Mau 1&2 có tổng công suất thiết kế 1.500MW, sản lượng điện sản xuất hàng năm khoảng 6,5 đến 8 tỷ kWh; sử dụng công nghệ turbine khí chu trình hỗn hợp, nhiên liệu chính là khí thiên nhiên, có hiệu suất cao mang lại hiệu quả sử dụng năng lượng và đảm bảo thân thiện với môi trường. Công ty Điện lực Dầu khí Cà Mau (PV Power Cà Mau) – đơn vị thành viên của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power) là đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy điện Cà Mau 1&2.
Từ năm 2008, sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác vận hành thương mại đến nay hai Nhà máy điện Cà Mau 1&2 đã đã sản xuất đạt sản lượng 100 tỷ kWh, đóng góp nguồn điện quan trọng cho hệ thống điện quốc gia và góp phần phát triển kinh tế các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nhà máy điện Cà Mau 1&2 cũng đóng góp gần 50% tổng sản lượng điện của PV Power, góp phần giúp doanh nghiệp này duy trì vị thế đứng đầu trong lĩnh vực điện khí tại Việt Nam. 9 tháng đầu năm 2021, Nhà máy điện Cà Mau 1&2 đã đạt sản lượng gần 3,7 tỷ kWh điện.
Trải qua 13 năm xây dựng và phát triển, PV Power Cà Mau đã đóng góp cho ngân sách Nhà nước cho tỉnh Cà Mau trên 4.075 tỷ đồng, thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Cà Mau trên 15 tỷ đồng, sử dụng lao động tại địa phương trên 38%, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau.
Trong thời gian tới, PV Power đặt mục tiêu xuyên suốt là đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả Nhà máy điện Cà Mau 1&2, đồng thời đề xuất với UBND tỉnh Cà Mau trình Thủ tướng Chính phủ đưa vào quy hoạch điện VIII, xây dựng nhà máy điện Cà Mau 3 với công suất 1.500MW. Đây là mục tiêu quan trọng của Tổng Công ty và cũng là định hướng chiến lược phát triển điện năng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gắn với tình hình phát triển kinh tế xã hội bền vững của vùng đất U Minh Hạ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.