Mưa lớn kéo dài, nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở miền Trung

Từ đêm ngày 8/11 đến ngày 11/11, khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Khu vực từ phía Nam Quảng Nam đến Phú Yên có lượng mưa 400-700mm, có nơi trên 800mm. Các địa phương được yêu cầu khẩn trương rà soát các phương án ứng phó với lũ quét, sạt lở đất; chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng và thủy văn quốc gia, từ đêm 8/11, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Trung Trung Bộ. Ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa; cục bộ có mưa vừa, mưa to. Từ nay đến ngày 11/11, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông trên cao nên ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, với lượng mưa phổ biến 250-400mm, có nơi trên 500mm.

Khu vực từ phía Nam Quảng Nam đến Phú Yên mưa phổ biến 400-700mm, có nơi trên 800mm. Từ ngày 15/11, mưa lớn ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa còn diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét, vùng núi có nơi rét đậm với nhiệt độ thấp nhất 14-17 độ C, vùng núi 11-14 độ C, vùng núi cao dưới 8 độ C. Ở khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, trời lạnh với nhiệt độ độ thấp nhất 19-22 độ C.

Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa, các bộ, ngành theo dõi chặt diễn biến mưa, lũ, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn cho người, tài sản và sản xuất.

Các địa phương khẩn trương rà soát các phương án ứng phó với tình huống lũ quét, sạt lở đất; tổ chức lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai kiểm tra khu dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn.

Đặc biệt, các địa phương nhanh chóng triển khai những biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, nhất là các công trình xung yếu, đang thi công và các hồ chứa đã đầy nước; công tác vận hành các hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và hạ du; rà soát công tác chuẩn bị lương thực, thực phẩm theo phương châm 4 tại chỗ đề phòng ngập lụt, chia cắt.

Đánh giá:  
 Chưa có bình chọn nào

Ẩm thực

Nổi bật