Trung Quốc hiện đang ngừng nhập khẩu mặt hàng thanh long của Việt Nam từ ngày 29/12, khiến hàng nghìn tấn nông sản chưa có đầu ra, nhà vườn đứng ngồi không yên.
Theo ghi nhận mới nhất, thanh long đang vào mùa thu hoạch, tại các nhà vườn trái chín đỏ rực thậm chí có trái nứt nẻ nhưng không có bóng dáng thương lái đến thu mua.
Tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang được xem là thủ phủ thanh long lớn nhất tỉnh với 7.419 ha thanh long, đạt năng suất 25-30 tấn/ha.
Nông dân trên địa bàn tỉnh đang vào mùa thu hoạch thanh long nghịch vụ nhưng thương lái không mua hoặc chỉ mua với số lượng ít vì không thể xuất khẩu sang Trung Quốc.
Hiện tại các vườn, giá thanh long chỉ còn 4.000-5.000 đồng/kg. Khoảng 3 tháng trước giá thanh long loại nhất phải từ 17.000-20.000 đồng/kg.
Nhiều nhà vườn phải nhìn thanh long chín đầy vườn, có trái đã nứt nẻ vì quá chín nhưng không biết tiêu thụ như thế nào.
Một chủ vườn ở ấp Tân Bình, xã Qươn Long, huyện Chợ Gạo buồn rầu nhìn 1 ha thanh long với hơn 100 triệu đồng tiền chăm sóc đang chín nhưng thương lái không đến mua.
“Thương lái mua cầm chừng với giá thấp dù có bán được thì nhà vườn cũng lỗ nặng” – Một chủ vườn chia sẻ.
Tuy nhiên, nếu không bán rẻ cho lái buôn thì hàng trăm tấn thanh long trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đứng trước nguy cơ hư hỏng, phải đổ bỏ.
Không chỉ thanh long mà nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam như mít Thái, xoài, bưởi…còn bị phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch. Nên khi nước bạn có động thái dừng nhập khẩu sẽ tác động trực tiếp đến thị trường.
Do vậy, để cây thanh long phát triển bền vững, cần một giải pháp lâu dài để nâng cao giá trị sản phẩm trái thanh long. Tìm kiếm các thị trường mới và đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.
Một số giải pháp cơ bản cho người sản xuất thanh long là áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP, kết nối với các hợp tác xã, đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ tiên tiến…đảm bảo chất lượng trái thanh long đến các thị trường khó tính trên thế giới trong tương lai.