Dừa “sáp” là đặc sản độc đáo chỉ có ở huyện Cầu Kè thuộc tỉnh Trà Vinh. Loại quả này được trồng nhiều ở giồng Cây Xanh, cách thị trấn Cầu Kè và trở thành niềm tự hào của người dân địa phương.
Dừa sáp (hay còn gọi là dừa đặc ruột, dừa kem) là một phân loài dừa có quả đặc ruột, cơm dừa dày, mềm dẻo và béo hơn trái dừa thường, nước dừa đặc lại trong veo như sương sa.
Bên ngoài, hình dáng của dừa sáp cũng giống như trái dừa bình thường. Dừa sáp có thể xay làm sinh tố, làm thạch dừa mứt dừa, kem dừa... rất ngon và bổ dưỡng.
Cây dừa sáp trồng 3-4 năm sẽ cho quả. Mỗi năm chỉ cho vài chục quả, nhưng trong số này chỉ có khoảng 1/3 có sáp còn lại chỉ là dừa thường.
Trên thị trường, giá mỗi trái dừa sáp tầm 150.000 đồng, có nơi còn lên đến 300.000 đồng gấp chục lần trái dừa thường. Trong khi đó, giá cây giống dừa sáp nuôi cấy phôi đang được bán lên tới 900.000 đồng/cây.
Để phân biệt dừa sáp và dừa thường phải lột vỏ - nếu dừa thường khi gõ vào nghe tiếng "tưng tưng" thì dừa sáp khi gõ vào lại nghe âm "cọc cọc". Với dừa sáp nổi tiếng ở Cầu Kè, chúng ta có thể phân dừa sáp phân loại thành: Dừa sáp tròn, Dừa sáp dài, Dừa sáp có cạnh, Dừa sáp vỏ xanh, Dừa sáp vỏ vàng.
Dừa sáp Cầu Kè trở thành một loại đặc sản, một thương hiệu nổi tiếng đem lại niềm tự hào cho người dân tỉnh Trà Vinh. Ngoài ra, dừa sáp còn là cây trồng giúp cải thiện cuộc sống của hàng trăm hộ dân huyện Cầu Kè.
Mặc dù có giá đắt đỏ nhưng nguồn cung dừa sáp không đủ cầu nên giá ngày càng tăng vọt. Nhiều người dân vùng Cầu Kè đã vui mừng kháo nhau cây dừa sáp quê mình đã lên ngôi “Ông hoàng” của trái cây.
Trước năng suất kinh tế của trái dừa sáp, tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo phát triển cây trồng này. Đến nay toàn huyện Cầu Kè đã có hơn 22.000 cây dừa sáp, trong đó xã Hòa Tân có gần 17.000 cây, khoảng 40% đã cho trái.