Bán nông sản combo 10 kg/túi giá 100.000 đồng, người dân TP HCM được 'đi chợ hộ'

Đâ là ý tưởng được Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT triển khai tại TP.HCM đang thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia, và có thể thay thế cho chương trình “Đi chợ hộ”.

Tạo thoải mái cho người tiêu dùng

Ngày 24/8, Tổ công tác phía Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT, viết tắt Tổ công tác 970) vừa có văn bản đề nghị UBND TP.HCM ưu tiên triển khai mô hình "combo 10 kg/túi" nông sản.

Tổ công tác 970 cho biết, mô hình này vừa giúp tiêu thụ nông sản đang ùn ứ của nông dân, người dân TP. HCM tiếp cận được nông sản giá bình dân và giảm áp lực của lực lượng chức năng trong việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân trong thời gian giãn cách nghiêm ngặt. Đồng thời, cũng tạo thoải mái cho người tiêu dùng. 

Theo đó, tổ công tác 970 đề nghị UBND TP. HCM chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp Sở Công Thương triển khai mô hình trên với hình thức: cho các doanh nghiệp đăng ký địa điểm giao nhận hàng hóa đủ điều kiện phòng chống dịch; ưu tiên cấp phép cho phương tiện của doanh nghiệp thí điểm mô hình "combo 10 kg/túi" nông sản được vận chuyển đến nơi tập trung người mua hoặc sau khi người mua – bán thanh toán xong nhờ xe của cơ quan nhà nước vận chuyển combo từ người bán đến người mua. Những vấn đề liên quan đến đặt hàng, thanh toán người mua, người bán tự thỏa thuận thông qua các ứng dụng sẵn có như: Zalo, Facebook,…

Trong khi đó, trả lời trên Thanh Niên, ông Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Kinh tế hợp tác, cho biết thí điểm từ ngày 17 - 18.8 tại TP.HCM, combo nông sản theo túi đã tiêu thụ được 37 tấn. Càng "choáng" hơn là ở những ngày sau đó, lượng nông sản tiêu thụ tăng vọt lên 200 - 400 tấn/ngày.

“Nhận đơn hàng ngày nhưng hàng giao vào thứ 4 và chủ nhật hàng tuần. Tổng đơn đặt hàng cho 2 ngày giao hàng tuần này đã vượt 1.000 tấn rau, củ, quả các loại. Hàng đã nằm sẵn trong các kho xung quanh TP.HCM, chờ đến ngày, giờ chuyển đến điểm giao”, ông Hải nói.

Ông Trần Minh Hải cho rằng, chương trình “Đi chợ hộ” ở TP.HCM đang triển khai, để đáp ứng nhu cầu hàng triệu người dân, cần có lực lượng nhân sự rất lớn và dễ quá tải công việc khi tiếp nhận, phân loại đơn và phức tạp nhất là đi đến các điểm mua sắm, chọn lựa sản phẩm, thanh toán… “Đi chợ hộ” chưa giảm được số người đi lại, vẫn tạo ra tập trung và tiếp xúc đông người ở các điểm mua sắm, tiềm ẩn nguy cơ cao bùng phát dịch Covid-19.

Trong khi đó, nông sản bán theo combo giúp người dân không cần đi lại nhiều, ngồi ở nhà có thể tương tác chọn, chọn lựa đăng ký mua theo combo với nhiều loại nông sản khác nhau, được đóng gói, chia theo khối lượng cố định. Tiền được thanh toán qua chuyển khoản, đảm bảo an toàn phòng dịch cho cả bên mua lẫn bên bán.

Combo nông sản 10 kg/túi bán giá 100.000 đồng đang thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia.
Combo nông sản 10 kg/túi bán giá 100.000 đồng đang thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia.

Khả năng cung cấp về TP.HCM 800 tấn/tuần

Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT thông tin, đến ngày 20/8 có tổng số 1.218 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký với Tổ Công tác. Gồm: Rau củ 334 đầu mối; Trái cây 316 đầu mối; Thủy hải sản 438 đầu mối; lương thực 75 đầu mối; Các mặt hàng khác 55 đầu mối.

Các đầu mối cung cấp hàng hóa rất đa dạng gồm: Hợp tác xã (chiếm 31,3%); tổ hợp tác; Hộ gia đình và trang trại (36,7%); Doanh nghiệp (19%); Cơ sở kinh doanh nhỏ (8,3%); Ban quản lý chợ (0,7%): Và 47 đơn vị khác (4%).

Theo số liệu đăng ký từ các tỉnh, khả năng cung cấp về TP Hồ Chí Minh 80.000 túi/tuần (10kg/túi = 800 tấn)/tuần. Nếu có hỗ trợ vận chuyển thì khả năng cấp của 1.200 đầu mối theo hình thức combo 10kg/túi có khả năng lên 120.000-150.000 túi/tuần, tương đương 1.200 - 1.500 tấn/tuần.

Theo tổ công tác 970, chương trình này tạo ra nền kinh tế tuần hoàn (lấy thu bù chi) nhằm tận dụng nguồn vốn của xã hội để thích ứng lâu dài với ảnh hưởng của dịch COVID-19, tính bền vững cao hơn các siêu thị 0 đồng hay quà từ thiện vì không cần tìm nhà tài trợ lâu dài.

Đánh giá:  
3.2 / 5  (6 bình chọn)

Ẩm thực

Nổi bật