Thông thường các cặp vợ chồng trẻ thường có chung đặc điểm là ít kinh nghiệm trong việc chi tiêu, quản lý gia đình. Nếu để tình trạng này kéo dài thì việc tiết kiệm tiền của vợ chồng sẽ là cả một vấn đề không hề đơn giản. Dưới đây chính là những sai lầm mà các cặp vợ chồng trẻ thường mắc phải nhất.
Tha hồ mua sắm các vật dụng gia đình
Tâm lý muốn vun vén cho tổ ấm nên các cặp vợ chồng trẻ không tiếc hầu bao để mua sắm giường, tủ, bàn ghế, nội thất,... cho gia đình mới. Theo những chia sẻ trên hội, nhóm ở mạng xã hội thì hầu như các cặp đôi đều bỏ ra từ 50 - 200 triệu đồng, tùy vào ngân quỹ của hai người.
Nguồn tiền này thường được lấy ở đám cưới (cha mẹ hai bên cho, tiền mừng cưới), do đột nhiên có một khoản tiền lớn và tâm lý muốn sắm sửa nên vợ chồng trẻ thường hay tiêu hết khoản tiền này.
Không lên kế hoạch cho việc chi tiêu
Bạn nghĩ: "Ôi, mới cưới mà, cứ thong thả một thời gian…" và cứ thế có đồng nào xào đồng ấy. Hệ quả tất yếu là sau năm đầu tiên chung sống, rất nhiều đôi vợ chồng được tin chuẩn bị "lên chức" làm cha mẹ mới giật mình phát hiện không hề có quỹ dự phòng, không có tiền để dành cho tương lai của con. Vì vậy, để đảm bảo cho kinh tế của cả gia đình, ngay sau khi cưới, hai vợ chồng nên thiết lập ngay kế hoạch tài chính. Hai bạn cần kiểm soát được chi tiêu và có những mục tiêu cụ thể để hướng đến.
Ngày nay, nhiều người dồn hết mọi nguồn lực cho con cái: học thêm, đi du lịch, tham gia các cuộc thi, vào trường tư đắt tiền, đi trại hè....
Tiêu tiền theo cảm hứng
Vừa bước chân vào cuộc sống hôn nhân, người trẻ thường không biết cách quản lý chi tiêu, hiện tượng được nhiều người gọi là "mơ hồ tài chính".
Mỗi khi thấy đồ đẹp, ưng mắt là họ sẽ rút ví mua không đắn đo quan tâm xem vật dụng đó có thật sự thiết thực với cuộc sống mình đang cần?
Điều này phái đẹp thường mắc phải nhiều hơn. Mỗi khi bước vào cửa hàng thời trang, váy áo, làm đẹp là chị em sẽ bị cảm xúc chi phối ví tiền, dẫn đến tình trạng vung tay quá trán. Thậm chí có lúc họ còn tiêu âm cả vào thu nhập của gia đình.
Không để ra khoản tiết kiệm
Có lẽ đây là tâm lý chung của những người trẻ tuổi. Bạn mới kết hôn, và cuộc sống có vẻ đang mở ra với bạn. Chẳng có lý do gì để bạn tin rằng sẽ có chuyện xấu xảy ra. Thế nhưng, cuộc sống có bao giờ dễ dàng như vậy. Gia đình nhỏ của bạn luôn cần có một quỹ dự phòng trường hợp khẩn cấp bằng tiền mặt để đảm bảo chi trả sinh hoạt phí cho hai vợ chồng trong vòng từ 3-6 tháng khi có chuyện ngoài ý muốn như mất việc hay tai nạn xảy ra. Ngoài ra, các bạn cũng nên cân nhắc mua các loại bảo hiểm cần thiết.
Thích tận hưởng sự tự do trước khi sinh con
Việc thường xuyên đi du lịch trước khi sinh con khiến cả hai không có những khoản tiết kiệm lẽ ra phải có. Việc này xảy ra ở hầu hết các cặp đôi, nhiều cặp vợ chồng mới cưới sẵn sàng bỏ vài chục triệu đến cả trăm triệu cho những chuyến du lịch chất lượng cao trong nước hoặc nước ngoài, sự so sánh bản thân với cuộc sống của người khác thông qua mạng xã hội khiến nhiều người trẻ thích làm việc này như một cách để thể hiện bản thân.
Vợ chồng không rạch ròi trách nhiệm tài chính
Sau ngày cưới, hai vợ chồng cần bàn bạc và định rõ các trách nhiệm tài chính, chẳng hạn: số tiền cần đóng góp vào quỹ gia đình (phù hợp với thu nhập từng người); hoặc giả sử chồng chi trả các khoản tiền thuê nhà, tiền điện nước thì vợ sẽ là người chịu trách nhiệm tiền chợ, tiền tiết kiệm… Nếu không phân chia trách nhiệm tài chính từ ban đầu, khi cần đến những khoản tiền lớn, vợ chồng bạn sẽ hoàn toàn bị động, chỉ biết "ngơ ngác nhìn nhau".
Thả ga mua sắm và ăn uống bên ngoài
Vì chưa vướng vào con cái nên cũng giống như chuyện mua sắm, đối với ăn uống vợ chồng trẻ cũng hành xử theo sở thích.
Được tăng lương, giải quyết xong việc quan trọng hay đơn giản chỉ là thời tiết hôm đó đẹp cũng có thể là lý do để vợ chồng trẻ quyết định tắt bếp kéo nhau đi ăn nhà hàng.
Chuyện này tưởng như không quá ảnh hưởng tới kinh tế nhưng thực chất nó đã tiêu tốn một khoản không hề nhỏ của tài chính gia đình. Song phải mất một thời gian dài sau, nhìn lại các bạn trẻ mới nhận ra điều đó.
Khi bạn kết hôn, việc xây dựng một cuộc hôn nhân hoàn hảo không thể thiếu yếu tố tài chính. Để quản lý tiền hiệu quả trong gia đình bạn cần:
Cởi mở về vấn đề tài chính
Đối với một số cặp vợ chồng, việc thảo luận công khai và cởi mở về chuyện tiền bạc dường như rất khó khăn. Với các cặp đôi mới bắt đầu bước vào đời sống hôn nhân, cần thống nhất các quy tắc như ai sẽ là người giữ tiền, công khai các khoản chi tiêu bằng cách ghi lại và báo lại còn số dư, hoặc thiếu với người còn lại. Càng cởi mở và rõ ràng bao nhiêu, bạn càng đỡ mệt đầu và tránh những xung đột không đáng có giữa hai vợ chồng.
Để riêng một khoản dùng khi cần thiết
Dù tình hình tài chính của vợ chồng bạn có tốt đến đâu thì vẫn cần phải để ra một khoản tiết kiệm nhất định vào mỗi tháng và để riêng, phòng trường hợp cần thiết. Cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài và chưa có dấu hiệu chấm dứt, điều bạn cần làm là chuẩn bị sẵn một lượng tiền mặt nhất định để chi trả khi xảy ra biến cố.
Theo dõi ngân sách
Việc theo dõi số tiền tiêu hàng ngày cũng quan trọng không kém việc thiết lập ngân sách. Nếu bạn không biết chính xác tiền tiêu mỗi ngày vào những khoản gì, cuối cùng bạn sẽ không kiểm soát được mức chi tiêu và phải "rút lõi" từ các khoản tiết kiệm cố định. Theo dõi được các khoản chi tiêu cũng giúp bạn nắm được tình hình tài chính hiện tại của gia đình và có những điều chỉnh cho hợp lý.
Bước chân vào cuộc sống hôn nhân nhiều bạn trẻ còn bỡ ngỡ không biết phải quản lý chi tiêu gia đình như thế nào. Bởi trước đó họ đã quen với cuộc sống độc thân, ăn tiêu thoải mái tự do, thích gì mua đó, chỉ cần biết hôm nay chứ không quan tâm ngày mai, ngày kia thế nào. Cuộc sống gia đình với hàng trăm thứ phải lo chưa tính tới những khoản phát sinh bất khả kháng liên quan tới nội ngoại hai bên mà vợ chồng trẻ buộc phải chi tiêu.
Thời gian giãn cách xã hội cũng là lúc nhiều cặp đôi nhìn lại sự chi tiêu trong gia đình, và cân nhắc những khoản tiết kiệm trong trường hợp tất cả mọi người đang phải sống chậm lại và ngừng các hoạt động hưởng thụ cho bản thân.