Tại nhiều địa phương như Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh… giá dê hơi (loại 35-38 kg/con) chỉ còn trên dưới 80.000 đồng/kg, trong khi trước đây có giá lên đến 150.000 đồng/kg. Giá dê hơi giảm mạnh do thương lái tại nhiều địa phương đã tạm ngừng đi thu mua hoặc thu mua với số lượng rất ít.
Dịch COVID-19 cũng khiến giá dê ở huyện Lộc Ninh (Bình Phước) tuột dốc chỉ còn hơn 70.000 đồng/kg, rớt hơn phân nửa so với cao điểm. Giá dê rớt thảm, hàng ngàn hộ chăn nuôi dê đang tìm nơi tiêu thụ. Toàn huyện Lộc Ninh có gần 6.000 hộ chăn nuôi dê, với tổng đàn hơn 80.000 con.
Trước khi dịch xuất hiện, chăn nuôi dê là mô hình giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên khá giả vì đầu ra ổn định. Thế nhưng, trong vòng 2 tháng trở lại đây, dịch COVID-19 khiến đầu ra ngưng trệ, giá dê sụt giảm rất mạnh.
Tại ấp Bù Nồm, xã Lộc Phú (Lộc Ninh), ông Đỗ Bá Vinh chuyên nuôi dê vỗ béo theo hình thức công nghiệp từ nhiều năm nay. Trước dịch có giá khoảng 180.000- 210.000 đồng/kg. Tình hình giãn cách xã hội kéo dài không có nguồn tiêu thụ đẩy giá dê hiện chỉ còn 70.000-80.000 đồng/kg. Mức giá này khiến người nuôi lỗ "sấp mặt", theo báo Dân Việt.
Trong khi đó, giá cám hiện nay tăng vọt lên 250.000 đồng/bao. Trung bình, 1 con dê tiêu thụ khoảng 10.000 đồng tiền cám/ngày. Dê không bán được lại tốn thức ăn khiến nhiều hộ chăn nuôi đành phải cắt giảm một nửa số cám trong khẩu phần ăn cho dê.
Nhiều chủ trại còn tăng cường cho dê ăn kèm cây lá trong vườn nhà. Nhưng dịch còn phức tạp, người nuôi sợ khó cầm cự được lâu dài.
Thịt dê của Bình Phước phần lớn tiêu thụ ở thị trường TP.HCM, Bình Dương. Nguồn thịt phục vụ chủ yếu cho các nhà hàng, quán ăn. Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành phía Nam phải đồng loạt thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg và các nhà hàng, quán ăn phải tạm thời đóng cửa để phòng, chống dịch bệnh, khiến thương lái có thu mua không biết làm sao tiêu thụ nên giá dê rớt thảm.
Theo nhiều hộ chăn nuôi dê ở vùng ĐBSCL, giá dê hơi giảm mạnh và khó tiêu thụ đã gây nhiều khó khăn cho người chăn nuôi dê. Dê đã tới lứa nhưng không bán được, người dân vừa tốn thêm chi phí tiền thức ăn, vừa lo dê quá lứa sẽ khó bán được giá.
Trong mùa dịch, dê không tiêu thụ được. Người dân đang phải gồng mình cầm cự, và tìm mọi cách phải giữ đàn dê lại, phòng khi dịch bệnh được kiểm soát.
Huyện Lộc Ninh hiện đã thành lập tổ hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ nông nghiệp để giúp bà con. Hội Nông dân huyện cũng phân công nhau mỗi người chủ động tìm đầu ra cho nông dân.