Nga Thủy, một xã vùng biển có 5,3 nghìn dân, diện tích tự nhiên 600 ha nhưng có tới 10 trại lợn với tổng diện tích 20 ha, tổng đàn trong 10 trại này ước tính trên 5.000 con. Điều đáng nói, cả 10 trại lợn này đều gây ô nhiễm môi trường, xả thải ra kênh tiêu nước của xã.
Những trại lợn này được bố trí nằm cạnh con mương phía trong đê sông Lèn, xung quanh là đất nông nghiệp và một số diện tích nuôi trồng thủy sản. Nguồn nước thải từ các trại lợn này sau khi chảy qua mương sẽ đổ xuống cống T4, ra sông Lèn trước khi nhập vào biển.
Theo quan sát của PV, các trại lợn này đều không có tên và nằm ẩn khuất phía trong đê sông Lèn. Chúng tôi phát hiện một trại lợn nằm gần đê sông Lèn xả nước thải đen ngòm, bốc mùi hôi thối ra mương. Dòng mương nổi váng, nhiều đoạn nước thải se lại thành những khối bùn đen. Phía bên trong các trại lợn có một vài túi bioga nhỏ, còn lại là các ao chứa bằng đất dễ dàng thẩm thấu ra ngoài môi trường.
Những trại lợn ở đây thiết kế lỗ chảy giống như những đập tràn của công trình thủy lợi. Khi trời mưa hoặc nước trong hồ chứa khu vực trại dâng lên, nước thải sẽ tự động chảy ra ngoài các mương dẫn nước. Do việc xả thải đã diễn ra lâu năm nên mương nước dọc đê sông Lèn trở thành những bãi nước thải mênh mông.
Lãnh đạo xã Nga Thủy khẳng định, người dân đã nhiều lần phản ánh về ô nhiễm môi trường do các trại lợn này gây ra. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, cử tri của xã cũng đã nhiều lần lên tiếng. UBND xã Nga Thủy cũng đã vài lần xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nhưng phạt xong, đâu lại vào đó.
Hàng năm, các đoàn kiểm tra từ tỉnh đến huyện cũng về kiểm tra. Các đợt kiểm tra không phát hiện xả thải gây ô nhiễm và các trại đều có đủ giấy tờ, hồ sơ hợp lý nhưng khi đoàn kiểm tra rút đi, tình trạng ô nhiễm lại tiếp diễn.
Trong số các trại này có thể kể đến trại lợn của ông Trần Văn Quyết, trại của ông Vũ Văn Chương (ông Chương đã mất và do con trai Vũ Văn Chiến quản lý) và trại của bà Mai Thị Quế.
Được biết, bà Mai Thị Quế một mình quản lý 4 trang trại với tổng số khoảng 2.000 con lợn. Các trại của bà Quế đều gây ô nhiễm môi trường nước và không khí nhưng chính quyền các cấp vẫn chưa có hình thức xử lý nào để ngăn chặn.
“Chúng tôi kiểm tra thường xuyên và bằng mắt thường phát hiện trại của ông Trần Văn Quyết có nước màu đen chảy ra, báo cáo lên UBND huyện Nga Sơn và yêu cầu gia đình ông Quyết thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường. Thực tế, các trại đã khắc phục một phần nhưng phải khẳng định 10/10 trại hiện vẫn đang gây ô nhiễm” – ông Mai Trọng Dụng, Phó Chủ tịch UBND xã Nga Thủy cho hay.
Nga Sơn là địa bàn có rất nhiều trại chăn nuôi lợn. Người dân phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi lợn gây ra, nhiều hộ đã chuyển sang chăn nuôi gà.
Theo thống kê sơ bộ của UBND huyện Nga Sơn, trên địa bàn có 48 trang trại chăn nuôi lợn. Trong đó có không ít hộ ý thức bảo vệ môi trường rất kém. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường ở đây rất lỏng lẻo.
“Cách đây 5 năm chúng tôi có tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của toàn bộ các trại lợn nhưng lâu nay chưa thực sự quan tâm. Sắp tới chúng tôi sẽ thanh kiểm tra để chấn chỉnh” – ông Thịnh Văn Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn cho hay.
Trại lợn vô tư xả thải gây ô nhiễm môi trường là người nhà của cán bộ làm to
Người dân Nga Thủy cho rằng, không đơn thuần mà các trại lợn vô tư xả thải, bức tử môi trường trước sự bất lực của chính quyền địa phương."Một trại là người nhà của một người làm to trên tỉnh. Một trại là người nhà của một người làm ở Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Vì vậy, cấp huyện, xã không dám xử lý đâu" - một người dân bức xúc cho biết.
Theo Nông Nghiệp