Theo trang giacaphe.com, giá tiêu hôm nay chững lại với mức giá trung bình là 75.000 đ/kg tại các địa phương trọng điểm như Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 8, giá hạt tiêu tại thị trường nội địa tăng mạnh so với cuối tháng 7. Ngày 27/8, giá hạt tiêu đen trong nước tăng từ 2,8 – 4,8% so với ngày 30/7.
Mức tăng thấp nhất là 2,8% tại tỉnh Đồng Nai; mức tăng cao nhất là 4,8% tại huyện Ea H'leo tỉnh Đắk Lắk và huyện Gia Nghĩa tỉnh Đắk Nông, lên mức 73.500 – 78.500 đồng/kg.
Giá hạt tiêu trắng ở mức 117.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với cuối tháng 7 và tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo giá hạt tiêu thế giới tiếp tục xu hướng tăng trong thời gian tới. Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ảnh hưởng đến việc thu hoạch, chế biến khó khăn dẫn đến nguồn cung bị gián đoạn.
Những vấn đề như hàng hóa đưa ra cảng bị ách tắc, hợp đồng xuất khẩu không đi được vì giá cước quá cao. Trong khi đó, Brazil hiện đang đối mặt với sản lượng tiêu giảm nghiêm trọng. Sản lượng tiêu sản xuất ở Indonesia và Việt Nam cũng không mấy khả quan.
Theo Bộ NN&PTNT, thị trường hạt tiêu thế giới được dự báo sẽ diễn ra sôi động trong quý III/2021 do nhu cầu tăng sau khi Mỹ và các nước châu Âu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.
Giá hạt tiêu dự kiến sẽ giữ ở mức cao do nguồn cung từ Brazil, Indonesia và Việt Nam giảm. Tại Indonesia, vụ thu hoạch hạt tiêu năm nay diễn ra vào tháng 7, tháng 8, nhưng sản lượng dự kiến sẽ giảm trên 20% so với vụ mùa năm 2020.
Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của làn sóng COVID-19 lần thứ 4 sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu mặt hàng tiêu Việt Nam trong thời gian tới. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu đã có sự chuyển dịch cơ cấu nguồn cung hạt tiêu sang các nhà cung cấp Indonesia, Malaysia, Sri Lanca, Campuchia.
Theo KT&ĐT, tính chung 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu ước đạt trên 197.000 tấn, trị giá 654,6 triệu USD, giảm 2,3% về lượng, nhưng tăng 47,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Theo đánh giá, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 là nguyên nhân khiến xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam giảm trong tháng 8/2021. Dự báo xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn trong thời gian tới.
Xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường chính có xu hướng chậm lại hoặc giảm mạnh. Điều này đã khiến cho thị trường trong nước bắt đầu trầm lắng từ cuối tháng 8/2021, và đang trong đợt suy giảm rộng. Hiện giá tiêu đã về bằng thời điểm đầu tháng 8/2021.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, điều đáng lo ngại là, do phí logistics tăng quá cao, thời gian gần đây, Mỹ và EU đã chuyển hướng nhập khẩu hạt tiêu từ Brazil vì chất lượng không quá chênh lệch so với hạt tiêu của Việt Nam, chi phí vận chuyển từ Brazil đến Mỹ chỉ bằng 1/3 và đến EU chỉ bằng 1/10 so với từ Việt Nam.
Nhu cầu nhập khẩu hồ tiêu của thế giới đang tăng trong khi nguồn cung hồ tiêu giảm nên giá tiêu trong thời gian tới có khả năng giữ vững và tăng nhưng cũng chỉ tăng ở mức độ nhất định chứ không đột biến.
Trên thị trường thế giới, tại Brazil, ngày 27/8/2021, giá hạt tiêu đen xuất khẩu ổn định ở mức 3.950 USD/tấn so với ngày 30/7/2021.
Tại cảng Lampung ASTA của Indonesia, ngày 27/8/2021 giá hạt tiêu đen xuất khẩu tăng 6,3% so với ngày 30/7/2021, lên mức 4.079 USD/tấn. Tương tự, tại cảng Muntok, giá hạt tiêu trắng xuất khẩu tăng 4,0% so với ngày 30/7/2021, lên mức 7.416 USD/tấn.
Tại cảng khu vực TP. Hồ Chí Minh của Việt Nam, ngày 27/8/2021, giá hạt tiêu đen loại 500g/l và 550g/l, hạt tiêu trắng xuất khẩu cùng tăng mạnh 225 USD/tấn (tăng 5,9%) so với ngày 30/7/2021, lên mức 4.025 USD/tấn, 4.125 USD/tấn và 6.025 USD/tấn.
Tại cảng Kuching của Malaysia, ngày 27/8/2021, giá hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng xuất khẩu tăng lần lượt 7,6% và 8,4% so với ngày 30/7/2021, lên mức 6.020 USD/tấn và 7.939 USD/tấn.
Tại Ấn Độ, ngày 27/8/2021, giá hạt tiêu tại sàn giao dịch Kochi ở mức 4.130 rupee/tấn (5.620 USD/tấn), tăng 0,4% so với ngày 30/7/2021.