Theo số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong tháng 8/2021 chỉ ước đạt gần 3,4 tỷ USD (giảm 22,% so với tháng 7 và giảm 21,6% so với tháng 8/2020). Trong đó, giảm mạnh nhất là sản phẩm gỗ (-50,2%), cá tra và tôm (-29,7%), rau củ (-25,8%), phân bón (-23,6%), hồ tiêu (-21,5%),…
Trong số này, chỉ có 3 nhóm sản phẩm tăng là sắn và sản phẩm từ sắn (+26,6%), sản phẩm từ ngũ cốc (+1,1%), sữa và sản phẩm sữa (+0,8%).
Dù xuất khẩu trong tháng 8 giảm, song tính chung 8 tháng, xuất khẩu của ngành ước đạt 32,1 tỷ USD (tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái). Sở dĩ có được kết quả này là bởi xuất khẩu những tháng đầu năm vụt sáng.
Nhiều mặt hàng có giá xuất khẩu bình quân tăng. Chẳng hạn, hồ tiêu đạt 3.327,4 USD/tấn (+51,4%), cao su đạt 1.670,7 USD/tấn (+30,9%), gạo đạt 535,3 USD/tấn (+9,4%), cà phê đạt 1.858,5 USD/tấn (+8,6%), sắn đạt 256 USD/tấn (+13,2%), chè đạt 1.669,4 USD/tấn (+4,7%).
Về thị trường thì Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông, lâm, thủy sản Việt Nam với giá trị đạt trên 9,3 tỷ USD, chiếm 29,1% thị phần; trong đó, giá trị nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 71% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc với gần 6,1 tỷ USD, chiếm 18,9% thị phần và riêng kim ngạch xuất khẩu nhóm rau quả chiếm tới 25,5%.
Bộ NN&PTNT cho biết xuất khẩu tháng 8 giảm mạnh, nhưng nhờ có sự bứt phá mạnh ngay từ những tháng đầu năm nên tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 32,1 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân của sự sụt giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong tháng vừa qua là bởi những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19. Theo đó, hàng loạt doanh nghiệp, nhà máy đã phải tạm dừng hoạt động do không đủ điều kiện sản xuất “3 tại chỗ”, do nằm trong khu vực phong tỏa, có người nhiễm Covid-19,....
Những doanh nghiệp vẫn hoạt động thì cũng chỉ có thể đạt 30 - 40% năng suất so với trước kia. Vì vừa phải đảm bảo chỗ ở cho nhân viên vừa phải giảm số lao động để đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch.
Cùng với đó, dịch bệnh Covid-19 cũng khiến cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa trở nên khó khăn hơn. Một số cửa khẩu phía Trung Quốc tạm đóng cửa khiến cho các doanh nghiệp bị ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu.
Để tháo gỡ những khó khăn trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng tới nhiều thị trường tiềm năng như: Peru, Australia, Brazil, Trung Quốc, Hoa Kỳ, ASEAN, Nga,….
Cùng với đó, Bộ cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, nhất là các nông sản đang vào vụ thu hoạch; chỉ đạo các ban ngành đánh giá, thẩm định chất lượng trực tuyến để tháo gỡ khó khăn cho người dân trong thời điểm dịch bệnh đang căng thẳng.
Những hành động thiết thực này của Bộ NN&PTNT sẽ góp phần cải thiện tình hình xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong tháng 9. Đồng thời cũng sẽ giúp nhiều doanh nghiệp và người dân vượt qua được những khó khăn trước mắt.