Tiêu thụ lúa tại Đồng bằng sông Cửa Long đã có nhiều cải thiện

Tình hình tiêu thụ lúa gạo có khá hơn do việc tích cực tháo gỡ của địa phương và doanh nghiệp đẩy mạnh hơn việc thu mua. Để tạo điều kiện trong khâu vận chuyển, sản xuất an toàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang đã tham mưu tỉnh tạo điều kiện cho thương lái đi lại trong nội bộ tỉnh từ 18h hôm trước đến 5h hôm sau. 

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, lúa Hè Thu hiện đã thu hoạch là 820 nghìn ha với năng suất đạt 56,7 tạ/ha; sản lượng 4.645 nghìn tấn. Diện tích lúa Hè Thu còn lại chưa thu hoạch là 690 nghìn ha và đang ở giai đoạn đòng trổ và chín, các trà lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Ước cả vụ Hè Thu sản xuất 1,510 triệu ha, sản lượng sẽ đạt 8,6 triệu tấn. Bên cạnh đó, lúa Thu Đông đã gieo sạ được 400 nghìn ha trong số 700 nghìn ha kế hoạch, đạt 57%.

Theo Bộ Công Thương, giá lúa tươi tại Đồng bằng sông Cửu Long: các giống IR50404, OM9582 và OM6976 tăng 100 đồng/kg, OM5451 tăng từ 200 – 300 đồng/kg, nếp Long An tăng 100 đồng/kg, nếp 3,5 tháng giảm 50 đồng/kg. Các giống lúa khác ổn định như tuần trước là Đài Thơm 8, Nàng Hoa, lúa Nhật. Tình hình tiêu thụ lúa gạo có khá hơn do việc tích cực tháo gỡ của địa phương và doanh nghiệp đẩy mạnh hơn việc thu mua.

Tiêu thụ lúa tại Đồng bằng sông Cửa Long đã có nhiều cải thiện

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá lúa trên địa bàn địa phương sau khi tăng từ 200 - 500 đồng/kg, một số loại đã chững lại. Doanh nghiệp vẫn chưa vào địa phương thu mua nhiều. Dự kiến tháng 10 và tháng 11, tỉnh sẽ thu hoạch lúa Thu Đông, nếu không thu mua tốt sẽ ảnh hưởng đến vụ Thu Đông.

Tại tỉnh Kiên Giang, theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, địa phương có khoảng 1,3 triệu tấn lúa của hai vụ Hè Thu và Thu Đông. Sau khi trừ tiêu thụ tại tỉnh thì cần kết nối tiêu thụ 1,1 triệu tấn. Từ khi có chủ trương hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hiện giá lúa trên địa bàn đã tăng lên với lúa chất lượng cao từ 5.500 - 5.900 đồng/kg. Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã giới thiệu 9 doanh nghiệp xuống tỉnh thu mua lúa và 1 doanh nghiệp đã ký kết thu mua trên 1.000 ha.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho hay, qua đánh giá, rà soát thì 80% sản lượng với khoảng 800.000 tấn cần các tỉnh khác tiêu thụ. Thời gian gần đây, các thương lái, doanh nghiệp đến thu mua nhiều hơn, giá lúa tăng từ 100 - 200 đồng/kg. Sở đang cố gắng kết nối, tạo điều kiện doanh nghiệp đến tỉnh thu mua.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Phạm Minh Truyền, địa phương đang thu hoạch rộ lúa Hè Thu. Trước đây, địa phương gặp khó khăn về máy gặt vào tỉnh với trên 40 máy. Sở đã chỉ đạo Tổ Công tác của ngành tháo gỡ lưu thông máy gặt và hiện đã cơ bản đảm bảo lượng máy. Việc tiêu thụ khó do hợp đồng trước đây với nông dân đa phần ở ngoài tỉnh. Gần đây giá lúa tăng từ 100 - 200 đồng/kg, nhưng thu mua còn chậm.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác phía Nam của Bộ khẳng định, lúa không thiếu. Trước hội nghị về tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long ngày 7/8, giá lúa thấp do không có người thu mua. Không có tình trạng lúa rụng ở ngoài đồng do không thu hoạch được. Trong 2 tuần qua, toàn vùng đã thu hoạch được 200.000 ha với trên 1 triệu tấn lúa nên không phải là không thu hoạch được.

"Sau hội nghị đó, giá lúa ở khu vực đã khởi sắc. Tuy có nhiều khó khăn, nhưng các địa phương đã sáng tạo trong việc đổi công, liên kết, phối hợp các địa phương trong việc điều động máy gặt. Đây là giải pháp cần phát huy thời gian tới", Thứ trưởng Trần Thanh Nam thông tin.

Tiếp tục tạo điều kiện cho thu mua

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, hiện việc phòng chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ hàng đầu và nhiều địa phương dần thiết lập được "vùng xanh". Hiện một vài nơi còn khó khăn về tiêu thụ, nếu cần hỗ trợ, địa phương có thể liên hệ với Tổ Công tác. Các địa phương cần tạo điều kiện cho các thương lái, doanh nghiệp vào thu mua, khi đó các vấn đề về giá cả cũng sẽ được giải quyết.

Hiện, An Giang đã phối hợp các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ thành lập đường dây nóng. Nhưng, doanh nghiệp không chỉ ở 4 địa phương này mà ở nhiều tỉnh khác. Ông Nguyễn Sĩ Lâm đề nghị, cần có sự thống nhất chung cho cả khu vực. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn còn liên quan đến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh khi triển khai các tỉnh chưa có sự thống nhất đồng bộ. Do vậy, cần có đường dây nóng cho toàn vùng, đứng đầu là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bên cạnh đó, Bộ chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Để tạo điều kiện trong khâu vận chuyển, sản xuất an toàn, ông Nguyễn Văn Dũng cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cũng đã tham mưu tỉnh tạo điều kiện cho thương lái đi lại trong nội bộ tỉnh từ 18h hôm trước đến 5h hôm sau. Bởi, hiện nay đang vào mùa mưa, nếu chờ đến sáng mới đi thu mua thì lúa dễ bị ngấm nước và lên mầm.

Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ bày tỏ, thành phố có 26/45 doanh nghiệp xuất khẩu gạo đủ điều kiện đang hoạt động trên địa bàn. Các doanh nghiệp cũng chỉ hoạt động 50% công suất do phải đảm bảo phòng chống dịch. Thành phố đã nhận được văn bản của Hiệp hội Lương thực Việt Nam và đang tập hợp thông tin vùng lúa để báo hiệp hội có phương án hỗ trợ, điều tiết tiêu thụ.

Hiện, nhiều địa phương trong vùng đều áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, việc các ghe chưa có “luồng xanh” nên mỗi tỉnh có cách làm khác nhau. Ông Nguyễn Tấn Nhơn đề nghị Bộ kiến nghị với Bộ Giao thông Vận tải có hướng dẫn về “luồng xanh” cho ghe đi thu mua lúa gạo.

Để tăng khả năng kết nối tiêu thụ nông sản, ông Phạm Minh Truyền đề nghị, Tổ Công tác của Bộ có danh sách các doanh nghiệp có khả năng thu mua nông sản. Từ đó, các địa phương, hợp tác xã có nhu cầu tiêu thụ sẽ tìm đến danh sách này liên hệ.

Về vấn đề này, ông Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Kinh tế Hợp tác, Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II, thành viên Tổ Công tác phía Nam của Bộ cho biết, Tổ Công tác đã tập hợp được các đầu mối cung cấp nông sản với khoảng 1.200 đầu mối, nhưng chỉ có khoảng 250 đầu mối mua hàng.

Ông Trần Minh Hải cũng đề xuất nghiên cứu thí điểm mô hình liên kết “tay 3” là doanh nghiệp - hợp tác xã - ngân hàng. Đây là mô hình mà nhiều nước trong khu vực đã áp dụng. Khi đó, doanh nghiệp sẽ bảo lãnh vay ngân hàng và bảo lãnh cho hợp tác xã - là hình thức doanh nghiệp làm tín chấp cho hợp tác xã.

Từ việc kết nối tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch COVID-19, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị, Tổ Công tác phía Nam nghiên cứu hình thành cổng thông tin để cập nhật tình hình cung ứng, giá nông sản với sự tham gia của chính quyền địa phương. Từ đó, kết nối tiêu thụ không cần đến vùng sản xuất; đồng thời doanh nghiệp tiêu thụ và chính quyền địa phương thấy được sự khó khăn ở đâu cũng như nắm được giá cả thị trường.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng yêu cầu, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nghiên cứu bố trí lực lượng sản xuất theo tính chất các vùng: vùng xanh, vùng vàng, vùng đỏ. Bên cạnh đó, lãnh đạo địa phương cũng cần hình thành các nhóm thương lái ở địa bàn để về lâu dài, đưa thương lái trở thành một đối tác trong sản xuất.

Đánh giá:  
5.0 / 5  (1 bình chọn)

Ẩm thực

Nổi bật