Thách thức trong sản xuất vụ đông xuân ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên

Theo thống kê của Cục Trồng trọt, năng suất lúa hè thu vừa qua tại khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ đã giảm khoảng 0,3 tạ/ha do những bất lợi về thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài.

Dự báo từ nay đến cuối năm diễn biến thời tiết khiến khu vực này sẽ bị ảnh hưởng tiến độ xuống giống vụ đông xuân tới. Do vậy Bộ Nông nghiệp cần có hướng dẫn chỉ đạo kịp thời để các địa phương chuẩn bị phương án sản xuất vụ tới đạt hiệu quả và an toàn. Đây là ý kiến của các đại biểu tham gia hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2021-2022 cho khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. 

Đánh giá của cơ quan khí tượng thủy văn và ngành thủy lợi cho thấy, trong vụ hè thu vừa qua của các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, lượng mưa ở một số tỉnh thấp hơn trung bình nhiều năm dẫn tới có khoảng 40.000 ha phải dừng hoặc hoãn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Diện tích bị ảnh hưởng do hạn hán cũng xuất hiện nhiều dẫn đến giảm năng suất. Nhiều hay ít thì năm nào khu vực này cũng đều xảy ra tình trạng hạn hán, thường xảy ra cuối vụ tại các vùng công trình thủy lợi nhỏ hoặc những vùng không có công trình thủy lợi. 

Trước diễn biến mưa lũ đang rất thất thường ở khu vực Nam Trung Bộ, dự báo cuối năm nay lượng mưa sẽ nhiều hơn từ 10-20% và nếu mưa tiếp thì sẽ ảnh hưởng đến lịch xuống giống vụ đông xuân sắp tới. Cục Trồng trọt cho rằng, ngoài lịch thời vụ chung mà Bộ Nông nghiệp ban hành thì các địa phương cần có sự linh hoạt, đánh giá từng tiểu vùng khí hậu của tỉnh mình để đưa ra lịch thời vụ phù hợp nhất. 

Cục Trồng trọt sẽ tiếp tục phối hợp với Tổng cục Thủy lợi và các cơ quan chuyên môn để làm việc cụ thể với các địa phương nhằm hỗ trợ địa phương xây dựng được lịch thời vụ tối ưu về điều kiện nước, điều kiện thời tiết khí hậu, cơ cấu giống cho từng vùng, từng khu vực để đạt hiệu quả cao trong vụ đông xuân 2021-2022 tại Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Bộ NN&PTNT lưu ý, với Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên ngoài việc tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì ngay trong những ngày tới các tỉnh phải đặc biệt quan tâm theo dõi diễn biến thời tiết, tăng cường theo dõi giám sát tình hình sâu bệnh hại trên các loại cây trồng như: hồ tiêu, điều, cà phê, lúa, ngô,...Đồng thời giám sát tốt giá vật tư đầu vào đặc biệt là giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vẫn đang ở mức cao như hiện nay. 

Đánh giá:  
 Chưa có bình chọn nào

Ẩm thực

Nổi bật