Theo báo cáo của Tổng cục Phòng chống thiên tai, tính đến ngày 25/2, ảnh hưởng của rét đậm, rét hại đã làm 4.427 con gia súc bị chết, trong đó có 3.794 con trâu, bò, 633 con gia súc khác.
Số trâu bò chết rét đã tăng tới 1.506 con chỉ sau 1 ngày, thiệt hại hàng tỷ đồng.
Trong đó, tỉnh Sơn La là tỉnh thành bị thiệt hại nặng nề nhất, ghi nhận hiện có 1.355 con trâu bò chết rét, chủ yếu là các con bê, nghé và một số con gia súc già yếu.
Ngoài ra, số trâu bò chết rét còn ghi nhận tại tỉnh Nghệ An 1.073 con, Cao Bằng 515 con, Lào Cai 307 con, Hòa Bình 264 con, Điện Biên 259 con...
Đáng chú ý, một số khu vực có gia súc chết vì rét tăng cao đột ngột trong 1-2 ngày. Chỉ trong 7 ngày qua, thời tiết giá rét bất thường khiến nhiều nơi ở các huyện miền núi có nhiệt độ xuống thấp từ 3 độ đến 5 độ C, khiến nhiều con trâu bò phải chết rét.
Hiện có nhiều con trâu, bò, bê, nghé nằm chết cóng trên rừng. Chưa kể một phần lớn lợn, dê và gia cầm cũng bị thiệt hại.
Theo tìm hiểu, nguyên nhân khiến lượng lớn trâu bò chết trong đợt rét đậm này một phần vì lạnh một phần vì đói. Vì khi nhiệt độ xuống thấp thêm mưa sẽ khiến gia súc dễ bị đói rét.
Nhiều hộ gia đình lựa chọn giải pháp đem về nhà cũng không đủ chỗ để nuôi, không đủ cỏ cho trâu bò ăn. Khi nhiệt độ xuống 0 độ C, gia súc vẫn không chịu nổi.
Hiện các địa phương đang tuyên truyền hướng dẫn người chăn nuôi chủ động dự trữ thức ăn tinh và thức ăn khô (rơm, cỏ khô, thức ăn ủ chua) và bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu, bò.
Trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, người dân tuyệt đối không thả gia súc, gia cầm ra ngoài trời.
Mỗi hộ nuôi cần trang trị các biện pháp cần thiết để bảo vệ gia súc của mình như che chắn chuồng trại, đốt lửa sưởi cho trâu bò. Công tác vệ sinh chuồng trại cần thực hiện thường xuyên, kiểm tra sức khoẻ đàn trâu, bò, lợn, gia cầm...