Sáng 16/9: Hà Nội và TPHCM điều chỉnh một số hoạt động kinh doanh và biện pháp phòng dịch

Hà Nội yêu cầu các cơ sở kinh doanh, dịch vụ hoạt động theo sự quản lý, giám sát, kiểm tra của chính quyền địa phương. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, yêu cầu khai báo y tế bắt buộc với nhân viên, thực hiện 5K, quét mã QR bắt buộc với khách đến mua hàng, thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn tại cơ sở; hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp.

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam

- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 645.640 ca mắc COVID-19, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.562 ca nhiễm).

- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):

+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 641.244 ca, trong đó có 409.876 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Có 14/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Phú Thọ, Ninh Bình.

+ Có 04 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Kon Tum, Quảng Ninh, Lào Cai.

+ 05 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (315.088), Bình Dương (166.075), Đồng Nai (37.169), Long An (29.289), Tiền Giang (12.561).

Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19

1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:

- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 15/9: 14.189

- Tổng số ca được điều trị khỏi: 412.650

2. Số bệnh nhân tử vong:

- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 261 ca.

- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 16.186 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).

Tình hình xét nghiệm

- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 240.194 xét nghiệm cho 718.063 lượt người.

- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 15.753.091 mẫu cho 45.813.130 lượt người.

Tình hình tiêm chủng vaccine COVID-19

Tổng số liều vaccine COVID-19 đã được tiêm là 31.254.856 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 25.420.169 liều, tiêm mũi 2 là 5.834.687 liều.

Hà Nội, 19 quận, huyện được mở lại một số dịch vụ từ 12h ngày 16/9

 

Chiều 15/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh ban hành Văn bản về việc điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Theo đó, từ 12h ngày 16/9 đối với địa bàn các quận, huyện, thị xã chưa ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng (từ thời điểm thực hiện Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3/9/2021 của Chủ tịch UBND thành phố) được hoạt động một số cơ sở kinh doanh, cụ thể như sau:

- Cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập;

- Cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng;

- Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21h hàng ngày.

Các quận, huyện, thị xã không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng tính từ 6h ngày 6/9/2021 đến 18h ngày 15/9 gồm 19 quận, huyện, thị xã: Ba Đình, Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Long Biên, Mê Linh, Mỹ Đức, Nam Từ Liêm, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thanh Oai, Ứng Hòa và Tây Hồ.

TP. Hà Nội yêu cầu đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ hoạt động theo sự quản lý, giám sát, kiểm tra của chính quyền địa phương. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, yêu cầu khai báo y tế bắt buộc với nhân viên, thực hiện 5K; quét mã QR bắt buộc với khách đến mua hàng, thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn tại cơ sở; hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp.

Chủ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải cam kết và chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.

Lộ trình thí điểm "thẻ xanh COVID-19" tại TPHCM

Theo đó TP sẽ tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên toàn địa bàn TP theo tinh thần Chỉ thị 16 từ 0h ngày 16-9 đến hết ngày 30-9; tiếp tục cấp giấy đi đường cho các đối tượng được phép lưu thông, các giấy đi đường công an TP đã cấp có hiệu lực đến hết ngày 30-9.

Giải thích về việc triển khai thẻ xanh COVID-19, ông Lâm Đình Thắng - giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP - cho biết UBND TP chọn thí điểm thẻ xanh COVID-19 tại các đơn vị: quận 7, huyện Củ Chi, Cần Giờ, các khu chế xuất và khu công nghệ cao trên địa bàn TP. 

Ông Thắng lưu ý, không phải triển khai thí điểm thẻ xanh trên toàn bộ địa phương hoặc đơn vị đó mà chỉ triển khai trên một nhóm cụ thể sau khi thống nhất với lãnh đạo đơn vị.

Ông Thắng dẫn ví dụ: "Ở quận 7 chỉ triển khai thí điểm thẻ xanh COVID-19 cho khoảng 150 doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu; ở Củ Chi, Cần Giờ chỉ thí điểm đối với các cơ sở cung cấp thực phẩm, cung cấp sản phẩm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, du lịch tại địa phương. Các địa phương còn lại không được thí điểm thì vẫn thực hiện các biện pháp như hiện nay theo các văn bản của UBND TP".

Bình Dương đã qua giai đoạn khó khăn nhất về phòng, chống COVID-19

Bình Dương đã có 8/9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh công bố "vùng xanh" và thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội tại các "vùng xanh," các "vùng đỏ," "điểm đỏ" tiếp tục được khóa chặt.

Bình Dương đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19. Tỉnh đã vượt qua được giai đoạn khó khăn tột cùng của đợt dịch lần thứ 4 này.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nguyễn Hoàng Thao chia sẻ như vậy với các cơ quan truyền thông tại buổi cung cấp thông tin về phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn vào ngày 15/9.

Đến thời điểm này, tình hình dần dần ổn định, toàn tỉnh đang bước vào trạng thái “bình thường mới” thực hiện phục hồi kinh tế-xã hội, sớm ổn định đời sống của nhân dân.

Điển hình như “vùng đỏ đậm đặc” thị xã Tân Uyên là điểm nóng của tâm dịch COVID-19 tại tỉnh Bình Dương, đến nay ghi nhận 35.931 ca mắc COVID-19. Tuy nhiên, đến chiều 15/9, thị xã Tân Uyên tổ chức công bố thiết lập được 6 phường, xã "vùng xanh." Hiện thị xã còn 1 vùng vàng, 3 vùng cam và 2 vùng đỏ.

Kinh nghiệm hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 với nguồn lực thực hiện phương châm 4 tại chỗ, đem lại nhiều kết quả tích cực trong công tác phòng chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự. Những vùng đỏ còn lại sẽ quyết liệt lấy mẫu xét nghiệm nhanh bóc hết F0 khỏi cộng đồng. Chiến lược này nhằm dập tắt triệt để các ổ dịch còn lại, tiến tới kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh.

Đánh giá:  
 Chưa có bình chọn nào

Ẩm thực

Nổi bật