Bưởi cốm là đặc sản của xã Hương Thọ, thành phố Thừa Thiên - Huế. Loại bưởi này rất dễ trồng, khả năng chống được nhiều loại sâu bệnh, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương nên cho năng suất tốt.
Từ năm 2015, bưởi cốm Hương Thọ được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể, sản phẩm chủ lực của địa phương.
Cây bưởi cốm đã mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân trên địa bàn xã.
Hiện nay, bưởi cốm bước vào mùa thu hoạch, người dân trồng bưởi đang tất bật hái để kịp cung ứng cho thị trường. Tại nhiều vườn bưởi, thương lái túc trực để thu gom bưởi ngay khi người dân hái xong.
Bình quân, mỗi gốc bưởi mang lại thu nhập cho người dân từ 2,5 đến 5 triệu đồng, trung bình 1 sào (500m2) cho thu hoạch từ 25 - 30 triệu đồng.
Bưởi cốm Hương Thọ có vị ngọt thanh, múi bưởi có màu hồng nhạt, nhiều nước, bưởi có vẻ ngoài láng mịn, xanh và nhẵn. Phù hợp dùng để chưng cúng trong các dịp lễ.
Không chỉ tiêu thụ trong tỉnh Thừa Thiên-Huế, sản phẩm bưởi cốm đã có mặt tại các tỉnh, thành lân cận như Quảng Trị, Đà Nẵng...
Một người dân trồng bưởi cốm tại xã Hương Thọ chia sẻ, gia đình ông có 120 gốc bưởi đang vào mùa thu hoạch, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và thời tiết xấu năm ngoái nhưng vườn bưởi của gia đình vẫn cho năng suất tốt đạt hơn 300 triệu đồng. Riêng những năm trước vườn bưởi cho thu nhập đến 350 - 400 triệu đồng.
Theo ghi nhận, toàn xã Hương Thọ có khoảng 50 ha trồng bưởi cốm, mỗi năm đem lại doanh thu hàng chục tỷ đồng cho địa phương.
Chính quyền địa phương đang tích cực triển khai các giải pháp để mở rộng diện tích trồng bưởi cốm, kết nối tiêu thụ đầu ra và đồng thời phát triển thương hiệu bưởi cốm mở rộng hơn.
Năm 2020, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có quyết định phê duyệt, công nhận bưởi cốm Hương Thọ là sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao, mở ra cơ hội lớn cho thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, ổn định thu nhập cho người nông dân.