Sán lợn gạo là thể ấu trùng của sán dây - một loại ký sinh trùng thường xuất hiện ở người và động vật. Trên cơ thể lợn, sán dây tồn tại ở dạng ấu trùng, các nang ấu trùng sán lợn gạo có màu trắng đục và kích thước tương đương như hạt gạo. Chúng thường tập trung thành từng mảng, khối trong các cơ bắp của lợn, có thể di chuyển lên não gây hiện tượng co giật ở lợn.
Quá trình lây nhiễm sán lợn gạo giữa người và lợn là một vòng tròn tuần hoàn, sán lợn gạo trưởng thành (sán dây) có thể đạt chiều dài tới vài mét. Sán dây sống trong ruột non của vật chủ là người, chó, mèo, trứng sán dây phát tán ra môi trường theo đường phân thải. Lợn và người sẽ nhiễm phải sán dây khi ăn phải nguồn thức ăn bị nhiễm trứng sán.
Vì vậy, để phòng tránh sán lợn gạo ở người và lợn cần phá vỡ được vòng tròn lây nhiễm của sán. Thứ nhất, hạn chế tối đa việc chăn nuôi lợn thả rông. Thứ hai, phải kiểm soát được nguồn phân, phân phải ủ để tiêu diệt được ấu trùng sán dây. Bên cạnh đó, chuồng nuôi lợn phải thường xuyên được dọn dẹp sạch sẽ, khô thoáng để đảm bảo sức khỏe cho lợn.
Cùng với việc thực hành chăn nuôi an toàn, vệ sinh, các trang trại chăn nuôi lợn cũng có thể tiến hành kiểm tra định kỳ sán lợn gạo trên đàn lợn bằng phương pháp xét nghiệm huyết thanh, từ đó sàng lọc, điều trị hóa dược kịp thời cho lợn bệnh. Theo quy định của Thú y, tại các điểm giết mổ cần thực hiện nghiêm túc việc loại bỏ, tiêu hủy các sản phẩm thịt lợn khi phát hiện có sán lợn gạo.