Trung Quốc có thể đẩy mạnh thu mua hạt tiêu vào cuối năm

Cục Xuất nhập khẩu cho rằng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh việc mua tiêu vào cuối năm. Do đó, nhiều khả năng lượng hàng đầu cơ từ những năm trước sẽ được bán ra.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, nhu cầu nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng mạnh vào dịp cuối năm. Điều này sẽ tác động tích cực lên giá hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam, trong bối cảnh nguồn cung nội địa gần như đã cạn kiệt. Cục Xuất nhập khẩu cho rằng nhiều khả năng lượng hàng đầu cơ từ những năm trước sẽ được bán ra. Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu hạt tiêu của nước này trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt xấp xỉ 41 triệu USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2020. 

Tuy nhiên, nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc từ Việt Nam tăng 11%, đạt 12,52 triệu USD. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 25,66% trong 9 tháng đầu năm 2020 lên 30,54% trong 9 tháng đầu năm 2021. Trung Quốc hiện đang nằm trong top 10 quốc gia nhập khẩu nhiều hồ tiêu nhất của Việt Nam.

Theo ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) dự báo, có 2 kịch bản xảy ra từ nay đến cuối năm. Kịch bản thứ nhất, nếu thương lái Trung Quốc hạn chế sang mua để chuẩn bị cho dịp lễ tết, giá tiêu vẫn tăng nhưng không quá mạnh, tối đa 100.000 đồng/kg.

Ở kịch bản ngược lại nếu Trung Quốc tăng cường đơn hàng, giá tiêu thậm chí vượt mốc quan trọng 100.000 đồng/kg. Hiện lượng hàng mà thương lái Trung Quốc mua mới chỉ bằng 3/4 so với mọi năm. Cùng với giá tiêu trong nước, giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam tính đến cuối tháng 10 đạt 4.490 USD/tấn, tăng 200 USD/tấn so với cuối tháng 9 do nguồn cung trên toàn cầu khan hiếm. Việt Nam là thị trường chiếm một nửa lượng tiêu trên thế giới.

Lượng hàng bán ra rất ít, một phần do nguồn cung trong dân gần như đã hết. Theo ước tính của Hiệp hội tiêu Việt Nam (VPA), sản lượng tiêu cả nước trong năm 2021 có thể giảm tới 25% xuống 180.000 tấn.

Sau một thời gian dài 'chìm sâu' dưới đáy, thời gian này, hồ tiêu xuất khẩu tăng giá dựng đứng. Đỉnh điểm, tháng 10, giá xuất khẩu hồ tiêu lên tới 4.500 USD/tấn đối với tiêu đen loại 550 g/l, giá tiêu trắng tăng lên mức 6.290 USD/tấn.

Báo cáo từ Bộ NN&PTNT cho thấy, giá tiêu xuất khẩu trong 10 tháng năm 2021 cũng tăng tới 71,3%, đạt 3.434,2 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất từ năm 2018 tới nay. Thế nên, dù khối lượng xuất khẩu hồ tiêu chỉ đạt 783 nghìn tấn, giảm 5,7% nhưng giá trị vẫn tăng 44,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu cho hay, lượng tiêu xuất khẩu tuy giảm mạnh, có doanh nghiệp lượng xuất khẩu giảm tới gần 20%, nhưng doanh thu lại cao hơn từ 30-70% so với cùng kỳ năm 2020.

Hạt tiêu Việt Nam đang có mặt tại 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 60% sản lượng tiêu trên toàn thế giới. Đáng chú ý, thay vì chỉ xuất khẩu tiêu thô, thời gian này các sản phẩm phong phú như tiêu đen, tiêu xanh, tiêu trắng, tiêu bột, tiêu ngâm giấm...

Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT, giá tiêu xuất khẩu tăng dựng đứng kéo giá tiêu tại thị trường nội địa tăng gần gấp đôi. Với giá hồ tiêu hiện tại, người nông dân đã thu được lợi nhuận tốt. Những tháng cuối năm, nếu thương lái Trung Quốc tăng cường thu mua tiêu để chuẩn bị cho thị trường dịp Tết Nguyên Đán thì chắc chắn giá tiêu sẽ tiếp tục tăng thêm.

Giá tiêu tăng lên, người trồng tiêu không còn bị lỗ và khả năng sẽ có giá tốt hơn trong tương lai, nhưng theo chuyên gia, ngành hàng này vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, khi giá cước vận chuyển xuất khẩu ở mức cao do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Chi phí nguyên liệu đầu vào cũng đang gây ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Đánh giá:  
1.0 / 5  (1 bình chọn)

Ẩm thực

Nổi bật