Ông Đỗ Văn Tam ở xã Bình Ba (huyện Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu) có trang trại gà gần 12.000 con đến thời kỳ xuất bán từ giữa tháng 8. Nhưng đến đầu tháng 9 vẫn còn hơn 1.000 con không tiêu thụ được.
Chỉ đến sau 9/9 khi huyện Châu Đức nới lỏng giãn cách xã hội, chuyển từ Chỉ thị 16 xuống Chỉ thị 15 thì đàn gà nhà ông mới dần vơi bớt.
Chi phí thức ăn tăng cao trong thời gian qua đã khiến gia đình ông chật vật, gặp nhiều khó khăn. Đến nay, khi đàn gà bắt đầu được tiêu thụ thì ông mới dần yên tâm.
Cũng như ông Tam, đàn heo của gia đình ông Trần Tâm ở xã Bình Ba cũng được tiêu thụ thuận tiện hơn sau khi địa phương nới lỏng giãn cách.
Nếu như trước đây ông gọi thương lái phải chờ tới 7 - 10 ngày thì nay chỉ mất 1 - 2 ngày là đã có thể bán heo.
Không chỉ vậy, việc đi lại mua thức ăn chăn nuôi cho đàn heo của ông và nhiều hộ gia đình khác cũng trở nên dễ dàng hơn.
Dù vậy nhưng niềm vui của người dân chưa thể trọn vẹn vì thương lái thu mua với giá vẫn giữ ở mức rất thấp.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá bán heo khoảng 60.000 đồng/kg thì người nuôi mới có chút lời. Tuy nhiên, giá heo ở các địa phương hiện nay vẫn chỉ duy trì ở mức trung bình 50.000 đồng/kg, thậm chí có nhiều tỉnh chỉ khoảng 47.000 - 48.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi thời gian gần đây liên tục tăng từ 35 - 40%.
Với đàn gia cầm cũng không ngoại lệ, hiện giá gà trắng tại trại ở huyện Thống Nhất chỉ khoảng 10.000 đồng/kg, gà lông màu 22.000-23.000 đồng/kg.
Với mức giá này, chỉ những gia đình tự chế thức ăn chăn nuôi cho cả trang trại thì may ra mới không bị lỗ vốn.
Trong khi đó, đầu ra của gia súc, gia cầm vẫn chưa được ổn định khi các chợ truyền thống ở TP.Biên Hòa và TP.HCM vẫn còn hạn chế hoạt động. Các bếp ăn tập thể, các doanh nghiệp lớn trong khu công nghiệp đều giảm mạnh số lượng lao động hoặc ngừng sản xuất.
Với những khó khăn còn hiện hữu trước mắt nên dù đã tiêu thụ được heo, gà thuận lợi hơn nhưng nhiều hộ dân chưa tái đàn. Điều này càng dấy lên lo ngại về nguồn cung thực phẩm vào cuối năm.