Tất tần tật các công đoạn làm ra món ‘cơm dừa’ đặc sản Bến Tre

Bến Tre có rất nhiều món ăn truyền thống vô cùng độc đáo từ dừa mà người dân nơi đây tạo nên. Trong đó, có món "cơm" dừa trắng ngần ngọt lịm được xem là đặc sản Bến Tre. 

Bến Tre được xem là một trong những thủ phủ dừa nổi tiếng nhất ĐBSCL, dừa ở đây còn là nguồn thu nhập chính của người dân. 

Cây dừa nói chung đến quả dừa nói riêng đều có thể sử dụng và mang lại giá trị kinh tế cao. Nước dừa sẽ được dùng làm nước giải khát, còn cơm dừa thì có thể chế biến thành nhiều sản phẩm. 

Cơm dừa Bến Tre không chỉ để ép lấy dầu hay vắt lấy nước cốt mà nó còn được chế biến được hàng loạt món ăn. Vì thế, thay vì hái quả non uống nước thì nhiều người chờ cho quả già để lấy cơm tạo ra nhiều món ngon.  

Được biết, phải mất cả chục công đoạn để làm ra được món "cơm" dừa trắng ngần ngọt lịm, đặc sản Bến Tre.  

Cụ thể, quả dừa sau khi được hái sẽ chở về các bãi tập kết có công nhân đang chờ sẵn. Đầu tiên, công nhân sẽ bóc vỏ dừa rồi tiến hành lột xơ, đến công đoạn chặt làm đôi, cuối cùng là tách cơm và gáo dừa. Phải trải qua rất nhiều công đoạn.

Một công nhân kiếm sống bằng nghề làm dừa ở Giồng Trôm, Bến Tre chia sẻ trên báo chí: Bóc vỏ dừa là một công việc khó nhọc và nguy hiểm cần người khỏe mạnh và nhiều kinh nghiệm thực hiện. Nhưng công việc này có thể mang đến thu nhập 200.000 – 400.000 đồng/ngày làm việc. 

Người công nhân đang tách cùi dừa ra khỏi vỏ

Dừa sau khi bóc vỏ sẽ được bổ làm đôi, thu hồi nước rồi chuyển sang công đoạn tách cơm và gáo. 

Sau khi tách được gáo dừa và cơm, sẽ đến công đoạn gọt lớp vỏ đen, chừa lại mỗi phần trắng ngần, mịn màng bắt mắt. Việc gọt dừa này thường dành cho các chị em phụ nữ vì đòi hỏi sự tỷ mỷ, nhanh nhẹn. 

Cuối cùng, cơm dừa sẽ được đưa đi rửa như cách vo gạo trong một bể nước lớn. Cơm dừa làm sạch như vậy sẽ bán cho các cơ sở chế biến, biến tấu ra nhiều sản phẩm đặc biệt như bánh dừa, bánh tét, sữa dừa, mứt dừa…

Đặc biệt, trong những quả dừa già thường có mộng dừa. Loại mộng dừa đắt gấp nhiều lần trái dừa, có khi bán hàng trăm nghìn đồng một ký. 

Công việc bóc tách cơm dừa này tuy khó khăn nhưng giúp cuộc sống người dân địa phương ổn định hơn. Nhiều gia đình cả 2 vợ chồng đều tham gia sơ chế dừa, gắn liền với từng công đoạn, dành dụm được tiền cho con đi học đại học.

Đánh giá:  
 Chưa có bình chọn nào

Ẩm thực

Nổi bật